Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) được thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông 5G tại TP Hà Nội, với quy mô không vượt quá 140 vị trí (trạm thu phát sóng BTS). Còn Tổng công ty Viễn thông MobiFone được thử nghiệm thương mại 5G tại TP HCM, với quy mô không quá 50 trạm BTS.
Giấy phép thử nghiệm của hai nhà mạng đều có giá trị đến 30/6/2021. Động thái thử nghiệm này nhằm giúp các nhà mạng đánh giá công nghệ và thị trường trước khi chính thức kinh doanh dịch vụ 5G.
Hiện tại, đối tượng thử nghiệm sẽ là các thuê bao di động của nhà mạng và được kết nối với các mạng viễn thông công cộng; được sử dụng các mã, số viễn thông đã được phân bổ phục vụ việc thử nghiệm.
Nếu doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô thử nghiệm phải được sự chấp thuận của Bộ Thông tin & Truyền thông. Đồng thời, việc thử nghiệm phải chấp hành các quy định về quản lý tiêu chuẩn, chất lượng viễn thông, bảo đảm an toàn mạng, an toàn thông tin, cũng như hoàn trả tài nguyên viễn thông được cấp thử nghiệm sau khi giấy phép thử nghiệm lần đầu hết hiệu lực hoặc khi có yêu cầu từ Bộ.
5G là viết tắt của Fifth Generation (Thế hệ thứ năm), tên của tiêu chuẩn tiếp theo trong giao tiếp di động sau tiêu chuẩn LTE (4G) hiện tại, nối tiếp UMTS (3G) và GSM (2G). Tốc độ của 5G nhanh gấp khoảng 10 lần so với 4G, cho phép kết nối nhiều thiết bị hơn với độ trễ thấp.
Anh Tú