Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 19,8 tỷ USD, nhưng lại nhập khẩu từ thị trường này 42,5 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ 2018.
Máy móc, thiết bị, phụ tùng; sản phẩm máy vi tính, điện tử và linh kiện và nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày... được nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc với kim ngạch lần lượt hơn 8 tỷ USD, 7 tỷ và 6,7 tỷ USD. So với cùng kỳ 2018, dữ liệu nhập các mặt hàng này tăng tương ứng hơn 49%, 66% và 11%.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam với gần 3,5 triệu tấn, trị giá 2,2 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2018. Hóa chất và sản phẩm từ hóa chất, Trung Quốc cũng chiếm vị trí số một với kim ngạch trên 1,8 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2018...
Trong một báo cáo gần đây, Công ty chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, nhân dân tệ (CNY) giảm giá đáng kể so với VND và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang là nguyên nhân khiến lượng nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng.
Dẫn lại số liệu của Tổng cục Hải quan, KB Việt Nam cho biết, đến hết tháng 5, nhập siêu từ thị trường Trung Quốc đã lên tới 16,3 tỷ USD, bằng 68,2% mức nhập siêu cả năm 2018 (23,9 tỷ USD) và tăng lên 22,7 tỷ USD vào cuối tháng 7. Điều này cho thấy NDT phá giá đang là một nhân tố làm tăng lượng hàng hóa từ nước này chảy sang Việt Nam khi hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ hơn.
Trong khi đó, ở mối quan hệ thương mại với Mỹ, số liệu từ hải quan cho thấy, lũy kế đến hết tháng 7, lượng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 33 tỷ USD, tăng hơn 27% so với năm ngoái. Trong khi chỉ nhập 8,2 tỷ USD từ thị trường này, tăng hơn 7% so với cùng kỳ 2018. Rau quả, nông sản là các mặt hàng có lượng nhập khẩu ghi nhận tăng đột biến từ Mỹ trong nửa đầu năm nay, riêng tháng 7 là 39 triệu USD, đưa con số 7 tháng lên hơn 155 triệu USD.
Không cho rằng việc tăng kim ngạch nhập khẩu hàng từ Trung Quốc là "điều gì đó quá bất thường", song đặt trong mối tương quan và tình hình địa chính trị, thương mại căng thẳng giữa Mỹ - Trung, các chuyên gia lo hiện tượng, hàng hoá nhập từ Trung Quốc qua Việt Nam để "rửa xuất xứ, rồi tái xuất đi Mỹ để né thuế".
Cùng nhận định này, ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang dẫn tới việc hàng hoá của 2 nước khó tiêu thụ tại thị trường của nhau. Vì vậy, Mỹ, Trung Quốc sẽ tăng xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Mặt khác, hai nước cũng sẽ tăng cường các biện pháp chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, cũng như các biện pháp phòng vệ với hàng hoá như một công cụ để ngăn cản hàng nhập khẩu.
Thực tế gần đây, Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc các hành vi gian lận thương mại, hàng nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam xuất sang thị trường khác. Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) và cơ quan hải quan (Bộ Tài chính) cũng đã có các giải pháp ngăn chặn hiện tượng hàng hóa nước ngoài trung chuyển qua Việt Nam, rồi tái xuất để né thuế.
Anh Minh