"Chính phủ Việt Nam kiên quyết ngăn chặn và sẽ xử lý nghiêm khắc các hành vi gian lận thương mại, hàng nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam xuất sang thị trường khác", bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay cho biết.
Bà Hằng trả lời câu hỏi về biện pháp của Việt Nam, sau khi phát hiện một số hàng Trung Quốc gắn mác hàng Việt để xuất khẩu. Tổng cục Hải quan Việt Nam đang có các bước đi cụ thể để ngăn các hành vi này và bảo vệ nền sản xuất trong nước.
Bloomberg ngày 10/6 đưa tin Việt Nam đã phát hiện hàng chục giấy chứng nhận xuất xứ giả và giao dịch phi pháp của các công ty Trung Quốc né thuế Mỹ. Các sản phẩm là từ hàng nông sản, dệt may đến thép.
Về việc Apple chuyển một bộ phận dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc sang Việt Nam, người phát ngôn nói "chưa có thông tin này". Bà Hằng khẳng định Việt Nam hoan nghênh đầu tư kinh doanh của nước ngoài tại Việt Nam, trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy định của Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Nikkei cho biết Apple đã đề nghị các nhà cung cấp lớn đánh giá chi phí của việc chuyển 15 - 30% sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á. Các quốc gia được cân nhắc gồm Mexico, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Trong đó, Ấn Độ và Việt Nam là những cái tên được ưa chuộng để sản xuất smartphone.
Việc thay đổi này là hệ quả của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài. Bên cạnh đó, Apple cho rằng rủi ro từ việc phụ thuộc vào sản xuất tại Trung Quốc là rất lớn và đang ngày càng tăng.
Khánh Lynh