Lệnh cấm được đưa ra vào hôm Chủ nhật (4/7), với lý do Didi Global vi phạm nghiêm trọng đối với việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân và không giải thích chi tiết. Quyết định được đưa ra hai ngày sau khi cơ quan quản lý cho biết họ đang bắt đầu đánh giá an ninh mạng với công ty này.
Lệnh cấm có nghĩa các nhà điều hành kho ứng dụng lớn nhất ở Trung Quốc như Apple và các nhà sản xuất điện thoại thông minh như Huawei, Xiaomi phải loại Didi khỏi dịch vụ của họ. Cùng với lệnh cấm, CAC yêu cầu Didi khắc phục các vấn đề theo yêu cầu pháp lý và tiêu chuẩn quốc gia, đồng thời thực hiện các bước để bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng.
Tuy nhiên, gần nửa tỷ người dùng hiện tại của Didi vẫn có thể tiếp tục sử dụng ứng dụng bình thường, miễn là họ đã tải xuống trước ngày 4/7. Trung bình mỗi ngày ứng dụng này kết nối hơn 20 triệu chuyến đi ở Trung Quốc. Phía Didi cho biết đã dừng đăng ký người dùng mới kể từ ngày 3/7 và đang làm việc để chỉnh sửa ứng dụng theo các yêu cầu quy định.
Didi ra mắt trên sàn New York vào thứ Tư (30/6) sau đợt IPO trị giá 4,4 tỷ USD. Công ty được định giá 67,5 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với con số 100 tỷ USD mà họ đã hy vọng. Đợt IPO của Didi được dẫn dắt bởi Goldman Sachs, Morgan Stanley và JPMorgan Chase & Co.
Hôm thứ Sáu (2/7), CAC đã thông báo một cuộc điều tra đối với Didi để bảo vệ "an ninh quốc gia và lợi ích công cộng", khiến giá cổ phiếu Didi giảm 5,3% xuống còn 15,53 USD. Hôm IPO, cổ phiếu hãng này được chào bán với giá 14 USD.
Các nhà quản lý Trung Quốc đã thắt chặt các quy tắc thu thập dữ liệu đối với các công ty công nghệ lớn trong những năm gần đây. Didi, công ty cung cấp dịch vụ tại Trung Quốc và hơn 15 thị trường khác, thu thập lượng lớn dữ liệu di động theo thời gian thực mỗi ngày. Họ sử dụng một số dữ liệu cho các công nghệ lái xe tự động và phân tích giao thông.
Được thành lập bởi Will Cheng vào năm 2012, công ty đã phải chịu sự điều tra của các cơ quan quản lý tại Trung Quốc về độ an toàn và giấy phép hoạt động. Trong cáo bạch IPO, Didi cho biết họ tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt trong việc thu thập, truyền, lưu trữ và sử dụng dữ liệu người dùng theo chính sách bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu của công ty.
Brock Silvers, Giám đốc đầu tư của công ty cổ phần tư nhân Kaiyuan Capital tại Hong Kong, cho rằng, lệnh cấm thực sự không công bằng cho các nhà đầu tư. "Và như một vấn đề quan trọng của tính toàn vẹn của thị trường, các cơ quan quản lý của Trung Quốc nên ngừng cho phép các công ty niêm yết trong khi đang bị điều tra", vị này nhận định.
Phiên An (theo Bloomberg, CNBC)