Trước đó, giới phân tích dự báo GDP Trung Quốc tăng 6,1% quý III so với năm ngoái. Mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ Trung Quốc năm nay là 6-6,5%.
Số liệu GDP vừa công bố cho thấy kinh tế Trung Quốc đang tiếp tục chậm lại. Hồi quý II, tốc độ tăng GDP là 6,2%. Việc này càng làm dấy lên nhiều đồn đoán Bắc Kinh sẽ tung thêm nhiều biện pháp kích thích nữa để chặn lại đà giảm tốc. Hiện tại, giới chức Trung Quốc chỉ tập trung tung kích thích hạn chế, có mục tiêu, như hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất, do lo ngại khối nợ bùng lên.
Nhà đầu tư và đối tác thương mại của Trung Quốc đang theo dõi sát sao sức khỏe của nền kinh tế lớn nhì thế giới, do cuộc chiến thương mại với Mỹ đang thổi bùng lo ngại về suy thoái toàn cầu.
Li Wei - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Standard Chartered nhận định, đà tăng đã chậm lại từ cuối năm 2018, một phần do công nghiệp yếu đi và nhu cầu tiêu dùng giảm sút. "Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc, vốn đã lan ra ngoài lĩnh vực thương mại, đang khiến tâm lý đi xuống đáng kể. Trung Quốc có thể phải tung nhiều biện pháp nới lỏng để đạt mục tiêu tăng trưởng", Li Wei nói.
Trung Quốc đang chấp nhận giảm tốc, nhằm củng cố hệ thống tài chính và kiềm chế tín dụng. Kể cả khi xuất khẩu sang Mỹ không đi xuống, nền kinh tế này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, từ áp lực giảm phát (ảnh hưởng tới lợi nhuận doanh nghiệp) đến nhập khẩu giảm (cho thấy nhu cầu trong nước yếu đi).
Sản lượng nhà máy tại Trung Quốc tăng 5,8% trong tháng 9. Doanh số bán lẻ tăng 7,8%. Trong khi đó, đầu tư tăng 5,4% trong 9 tháng đầu năm.
Hà Thu (theo Reuters, Bloomberg)