"Trong bối cảnh căng thẳng thương mại diễn ra thường xuyên và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, một số quốc gia và khu vực đang tích cực sử dụng nội tệ trong các giao dịch quốc tế. Xu hướng này đem lại cơ hội mới cho việc quốc tế hóa đồng NDT", ông Pan cho biết trên tạp chí China Finance hôm nay.
Pan khẳng định PBOC sẽ củng cố niềm tin của nhà đầu tư toàn cầu vào đồng NDT và dần khuyến khích sử dụng đồng tiền này trên thế giới. Dù vậy, kết quả việc này chủ yếu phụ thuộc vào thị trường.
Hiện tại, chưa đầy 2% giao dịch trên toàn cầu là bằng đồng NDT, theo số liệu của Tổ chức Dịch vụ Thanh toán Toàn cầu (Swift). Tỷ lệ này thậm chí giảm so với đỉnh 2,79% tháng 8/2015.
Trung Quốc muốn tiền tệ của mình đóng vai trò dẫn đầu trong thương mại và tài chính toàn cầu, khi nước này dần mở rộng ảnh hưởng kinh tế. Một trong các thành tựu lớn của họ là năm 2016, đồng nhân dân tệ (NDT) chính thức được bổ sung vào Quyền Rút vốn Đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cùng các đồng tiền lớn như đôla Mỹ, euro, yen Nhật và bảng Anh.
NDT từng được cho là sẽ bị Trung Quốc vũ khí hóa để đối phó các đòn thuế nhập khẩu của Mỹ. Bắc Kinh cố tình hạ giá NDT để tăng lợi thế xuất khẩu, và bù đắp thiệt hại kinh tế. Chiến tranh thương mại vì thế có thể biến thành chiến tranh tiền tệ. Dù vậy, kịch bản này đến nay vẫn chưa xảy ra.
Hà Thu (theo Bloomberg/CNN)