Trung Quốc đang có kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới. Theo SCMP, gần đây, chính phủ nước này có một số động thái quản lý chặt chẽ dòng vốn ra nước ngoài trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ gia tăng.
Việc sử dụng USD của các công ty và cá nhân tại Trung Quốc đang ngày càng được chính quyền xem xét kỹ, cùng với nỗ lực tăng thu hút vốn nước ngoài, đã làm dấy lên nghi ngờ trong giới phân tích rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lo lắng về nguy cơ thiếu USD.
Nhìn bề ngoài, Trung Quốc đáng lẽ là quốc gia cuối cùng trên thế giới lo lắng về sự thiếu hụt USD vì khoảng hai phần ba dự trữ ngoại hối trị giá 3.100 tỷ USD của nước này là USD. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, mức dự trữ ngoại hối khổng lồ với loại ngoại tệ tương đối ổn định như USD cũng không phản ánh được sự căng thẳng đang diễn ra trong nền kinh tế.
Một vài chuyên gia lo ngại lượng ngoại tệ dự trữ của Bắc Kinh có thể không đủ tạo ra một bộ đệm an toàn cần thiết cho việc nhập khẩu của Trung Quốc và trả hết nợ trong trường hợp bất lợi, nếu đồng nhân dân tệ phải mất giá.
Các nhà phân tích nghi ngờ rằng Trung Quốc sẽ gặp một cuộc khủng hoảng thanh toán sắp xảy ra, tương tự như cuộc khủng hoảng mà Argentina đã trải qua năm ngoái. Quốc gia Nam Mỹ này đã bị ảnh hưởng bởi một cuộc khủng hoảng tiền tệ và lạm phát, vì sự thiếu sót các vấn đề về cấu trúc, đã kiềm chế nhu cầu thực của Argentina và khiến nền kinh tế này khó tăng trưởng vền vững.
"Nếu có một cú sốc đột ngột đối với đất nước, Trung Quốc có thể sẽ không đủ USD để hỗ trợ cho đồng nội tệ. Đó là lý do nước này cần ngăn chặn dòng tiền chảy ra trong khi phải tạo dòng ngoại tệ chảy vào để hỗ trợ cho đồng nhân dân tệ", ông Kevin Lai - Kinh tế trưởng khu vực châu Á ngoại trừ Nhật Bản của Daiwa Capital nhận định.
Giống như nội tệ của nhiều quốc gia khác, đồng nhân dân tệ được hỗ trợ bởi dự trữ ngoại hối với phần lớn là trái phiếu của Kho bạc Mỹ. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tức ngân hàng trung ương nước này, không chỉ cần chúng để hỗ trợ đồng nhân dân tệ bằng cách can thiệp vào thị trường ngoại tệ, mà còn bảo lãnh cho hệ thống ngân hàng trong nước.
Rủi ro là nếu các biện pháp kiểm soát vốn của Trung Quốc không hiệu quả, khiến dòng vốn rút ra và lượng dự trữ còn lại không dễ quy đổi thành tiền mặt, thì ngân hàng trung ương sẽ không có đủ lượng vốn cần thiết để bình ổn nội tệ.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào tháng 7/2018, đã có những lo ngại về sự suy giảm mạnh hơn dự kiến của nền kinh tế Trung Quốc, điều này đẩy nhanh dòng vốn chảy ra và làm giảm nguồn cung USD trong hệ thống tài chính nước này.
Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại nếu tiếp tục sử dụng dự trữ ngoại hối, kể cả chỉ để dự trữ xuống dưới ngưỡng tâm lý quan trọng tại 3.000 tỷ USD, thị trường sẽ xuất hiện đầu cơ, châm ngòi cho một vòng xoáy nguy hiểm với dòng vốn rút ra ào ạt và đồng nhân dân tệ lao dốc.
Dự trữ của Trung Quốc hiện chỉ chưa đến 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), giảm từ mức 48% vào năm 2010. Đồng thời, nợ nước ngoài của nước này đã tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại là 1.970 tỷ USD vào năm 2018. Điều này có nghĩa là 3.100 tỷ USD dự trữ ngoại hối chỉ gấp khoảng 1,6 lần nợ nước ngoài và đủ để chi trả cho 12 tháng nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ.
Tổng giá trị trái phiếu mà Trung Quốc phát hành đã đạt 1.000 tỷ USD trong năm 2018, so với 927 triệu USD năm 2017 và 774 triệu USD năm 2015, theo dữ liệu từ Dealogic. Đồng thời, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, nợ doanh nghiệp ở Trung Quốc đứng ở mức 155% GDP trong quý II / 2018, cao hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác và khó có thể bền vững. Để so sánh, mức nợ doanh nghiệp của Nhật Bản là 100% GDP và của Mỹ là 74%.
Khi cuộc chiến thương mại với Mỹ leo thang, chính phủ Trung Quốc đang âm thầm thắt chặt dòng tiền ra bên ngoài, mặc dù luật pháp cho phép công dân được phép rút tối đa 50.000 USD mỗi năm.
Cựu cố vấn ngân hàng trung ương Yu Yongding cho biết cá nhân ông đã bị từ chối chuyển 20.000 USD từ tài khoản cá nhân ra nước ngoài. Theo ông Yu, ngân hàng nêu lý do ông đã hơn 65 tuổi. Các ngân hàng Trung Quốc cũng đang xem xét kỹ việc rút ngoại tệ từ 3.000 USD trở lên trong bất kỳ giao dịch nào, giảm từ 5.000 USD trước đó.
Theo dữ liệu của Thomson Reuters, lãi suất tiền gửi đồng USD kỳ hạn một năm tại Trung Quốc tăng từ 2,4% vào tháng 8 năm ngoái lên 3,4%. "Tôi luôn ủng hộ việc kiểm soát vốn và khuyến khích các biện pháp đó. Nhưng đôi khi chúng ta có xu hướng quá cực đoan trong việc thực hiện. Các giao dịch ngoại hối hợp pháp đang bị cản trở", ông Yu nhận xét.
Trả lời tờ SCMP, Cơ quan Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) cho biết họ vẫn đảm bảo đầy đủ quyền sử dụng ngoại hối hợp pháp của tất cả cá nhân. Mọi công dân nước này được phép mua ngoại tệ đến 50.000 USD mỗi năm, không giới hạn độ tuổi.
Phiên An (theo SCMP)