PBOC hôm 15/8 hạ lãi suất với công cụ cho vay trung hạn (MLF) từ 2,65% xuống 2,5%. MLF là khoản vay mà PBOC cấp cho một số tổ chức tín dụng đáp ứng tiêu chuẩn của cơ quan này. Việc hạ lãi suất sẽ giúp "duy trì thanh khoản dồi dào trong hệ thống ngân hàng", thông báo của PBOC cho biết.
Giới phân tích đánh giá động thái này là bất ngờ và sẽ mở đường cho việc giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) tuần tới. "Động thái này sẽ củng cố tín dụng tại Trung Quốc. PBOC có thể hỗ trợ thêm cho thị trường tín dụng trung hạn và mở đường cho việc giảm LPR, đặc biệt là với kỳ hạn 5 năm, để hỗ trợ ngành bất động sản đang lao đao", Ken Cheung – chiến lược gia ngoại hối tại Mizuho Bank nhận định.
Tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc gần đây lao dốc. Việc nền kinh tế lớn nhì thế giới rơi vào giảm phát trong tháng 7 đòi hỏi giới chức nới lỏng tiền tệ hơn nữa để chặn lại đà xuống dốc. Rủi ro vỡ nợ của một số hãng bất động sản cũng đang làm lung lay niềm tin trên thị trường tài chính.
"Tất cả những việc này khiến giới chức phải khẩn trương hành động trước khi niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp giảm mạnh hơn nữa", Tommy Wu – nhà kinh tế học tại Commerzbank nhận định.
Hồi tháng 6, PBOC cũng đã giảm hàng loạt lãi suất tham chiếu, trong đó có MLF. Đây được coi là tham chiếu cho LPR. Nhà đầu tư thường nhìn vào MLF để dự báo thay đổi trong LPR. Lần điều chỉnh LPR kế tiếp sẽ là thứ Hai tuần tới.
PBOC hôm nay cũng bơm thêm 204 tỷ nhân dân tệ vào thị trường thông qua các hợp đồng reverse repo (hợp đồng mua lại đảo ngược). Lãi suất của công cụ này cũng được giảm từ 1,9% xuống 1,8%.
Trung Quốc đang đi ngược với nhiều ngân hàng trung ương toàn cầu. Họ hạ lãi suất để kích thích kinh tế trong bối cảnh các nước khác tăng lãi để ghìm lạm phát.
Việc giảm lãi suất hôm nay vì thế sẽ tăng thêm sức ép lên đồng nhân dân tệ, làm dấy lên rủi ro dòng vốn rời Trung Quốc. Năm nay, nhân dân tệ đã mất 5% so với USD và là một trong những đồng tiền có diễn biến tệ nhất châu Á.
Hà Thu (theo Reuters)