Trong đơn tố cáo gửi một số cơ quan, bà Triệu Thị Tuyết Trinh và ông Triệu Hùng Cường (phường Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết gửi tiết kiệm có kỳ hạn tổng cộng 170 tỷ đồng tại Ngân hàng Việt Á (VietABank), phòng giao dịch Đông Đô. Đến ngày 8/12/2018, họ đến phòng giao dịch rút tiền nhưng không được. "Thông qua cán bộ VietABank có tên là Nguyễn Thanh Tùng, tôi được biết số tiền của tôi đã bị giả mạo chữ ký để chiếm đoạt", nội dung đơn tố cáo viết.
Trong đơn tố cáo, hai khách hàng đưa ra hình ảnh 6 hợp đồng tiền gửi với số tiền từ 20 đến 35 tỷ đồng mỗi hợp đồng, có chữ ký của Giám đốc VietABank chi nhánh Đông Đô cùng giấy gửi tiền và phiếu thu có chữ ký của giao dịch viên. Các hợp đồng tiền gửi trong tháng 9-10/2018, gửi 3 tháng, lãi suất 5,5% mỗi năm.
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, VietABank cho hay, tài liệu mà khách hàng cung cấp không có tính xác thực và bản thân khách hàng thậm chí không xuất trình được sổ tiết kiệm hoặc các chứng từ chứng minh việc nộp tiền.
"Ông Triệu Hùng Cường, bà Triệu Thị Tuyết Trinh chỉ đưa ra các giấy tờ có ghi là Hợp đồng tiền gửi", đại diện VietABank nói. Trong khi ngân hàng này cho biết, theo quy định hiện nay, VietABank không phát hành hợp đồng tiền gửi cho khách hàng cá nhân mà chỉ cho khách hàng tổ chức, doanh nghiệp. Thay vào đó, khách hàng cá nhân chỉ được phát hành sổ tiết kiệm hoặc chứng chỉ tiền gửi.
Về phần mình, ông Triệu Hùng Cường - một trong hai khách hàng có tên trong đơn tố cáo VietABank chiều 4/1 khẳng định có đầy đủ giấy tờ liên quan đến khoản tiền gửi tại VietABank nhưng ông từ chối cung cấp. "Các giấy tờ bản gốc chúng tôi đều đang giữ trong két, tôi cũng chưa từng đến ngân hàng thực hiện khoản vay hay rút tiền khỏi sổ tiết kiệm", ông Cường cho biết. Về hợp đồng gửi tiền, ông cho rằng mình đã được phát hành "nhầm" chứng từ.
Trong thông cáo phát đi cuối ngày 4/1, VietABank nói đã nhận thấy dấu hiệu bất thường về giao dịch của nhóm khách hàng, trong đó có ông Triệu Hùng Cường và bà Triệu Thị Tuyết Trinh, và cho rằng "có dấu hiệu lừa đảo".
Theo VietABank, nhóm khách hàng này bắt đầu giao dịch từ giữa năm 2018. Tuy nhiên, ngay sau khi mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu, họ lập tức cầm cố các sổ tiết kiệm để vay từ 95% đến 98,5% giá trị đã gửi, đồng thời chuyển tiền qua lại giữa các tài khoản và có giao dịch với Nguyễn Thị Hà Thành - một đối tượng vừa bị khởi tố liên quan đến tội danh lừa đảo. "Bằng thủ đoạn này, con số giao dịch mở sổ tiết kiệm lên tới cả trăm tỷ đồng nhưng số tiền gửi thực tế lại rất ít", VietABank cho biết.
Ngân hàng khẳng định có đủ bằng chứng về việc chuyển tiền qua lại giữa các đối tượng và các sổ tiết kiệm trên đã được cầm cố cho các khoản vay mà sau đó được giải ngân vào chính các tài khoản gửi tiền tại VietABank.
Giải thích việc có liên quan tới bà Nguyễn Thị Hà Thành, khách hàng Triệu Hùng Cường cho biết bà Thành giới thiệu mình là khách hàng VIP của VietABank nên được các ưu đãi chi trả lãi suất thực tế cao hơn lãi suất danh nghĩa trên hợp đồng. Các hợp đồng tiền gửi đồng sở hữu giữa ông Cường, bà Tuyết với nhóm đối tượng liên quan đến Nguyễn Thị Hà Thành để đảm bảo cho việc chi trả lãi suất cao hơn thực tế. Tuy nhiên ông Cường cho biết đã hoàn lại số tiền bà Thành góp và không còn liên quan nữa.
Theo VietABank, sự việc đang được cơ quan An ninh điều tra - Công an TP Hà Nội điều tra làm rõ và nhà băng sẽ phối hợp chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các bên. Đơn vị này cũng cam kết sẽ kiến nghị xử lý nghiêm trước pháp luật những đối tượng câu kết, móc nối với nhân viên thiếu phẩm chất của ngân hàng trong vụ việc.
Minh Sơn