Theo tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên sáng nay (23/4), Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên phong (TPBank) đề xuất, cổ đông thông qua chủ trương tìm kiếm, mua lại công ty tài chính. Đây là lần đầu tiên TPBank đề cập đến vấn đề này.
Nhà băng này dự kiến, mua toàn bộ 100% vốn của các cổ đông công ty tài chính để trở thành công ty con hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
"Nhận thấy việc thành lập công ty tài chính tiêu dùng thông qua việc mua lại một công ty tài chính sẵn có là một cơ hội tốt cho việc phát triển TPBank theo mục tiêu đặt ra", ngân hàng lý giải về sự cần thiết của thương vụ này.
Trả lời cổ đông, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT - từ chối tiết lộ danh tính công ty tài chính dự kiến mua nhưng lãnh đạo ngân hàng này cho biết thương vụ "đang trong quá trình đàm phán". TPBank có thể thực hiện thương vụ ngay năm nay, sau khi các cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Nhiều chuyên gia từng nhận định, cho vay tiêu dùng phát triển rất nhanh thời gian qua, nhưng vẫn còn nhỏ so với tiềm năng của thị trường. Từ năm ngoái đến nay, thị trường này liên tục đón các tân binh. Không chỉ TPBank, nhiều nhà băng khác như Vietcombank, ACB, OCB... cũng mong muốn gia nhập thị trường còn nhiều dư địa này.
Hết quý đầu tiên năm nay, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế 853 tỷ đồng, tương đương hơn 26,6% kế hoạch cả năm. Các chỉ tiêu khác như tổng tài sản, tổng huy động, dư nợ đều đã hoàn thành hơn 88% kế hoạch năm, lần lượt đạt gần 140.000 tỷ đồng, 125.319 tỷ đồng và 93.600 tỷ đồng.
Như vậy, tổng dư nợ của TPBank đã tăng 11,2%, gần chạm mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước, trong khi TPBank đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm 20%. Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank trả lời cổ đông rằng, ngân hàng hiện chưa xin được nới room tín dụng nhưng tin rằng sẽ được nhà điều hành chấp thuận.
Ông lý giải, TPBank thuộc nhóm các đơn vị sớm hoàn thành Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước quy định về tỷ lệ an toàn vốn với ngân hàng nên sẽ được ưu tiên. "Mức 20% ở trong tầm tay, còn cao hơn nữa thì phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép", ông Hưng nói.
Tại đại hội, TPBank cũng đề nghị cổ đông thông qua chủ trương thành lập Công ty TNHH Quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Trước đó, năm 2011, TPBank từng đề nghị nhưng chưa được Ngân hàng Nhà nước xem xét, do hoạt động còn nhỏ và đang trong giai đoạn tái cơ cấu.
Năm ngoái, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế gần 2.260 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ so với năm 2017. Các chỉ tiêu khác như tổng tài sản, tổng huy động, dư nợ lần lượt đạt hơn 136.100 tỷ, 118.500 và 84.300 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,1%.
Lợi nhuận chưa phân phối năm 2018 đạt hơn 1.500 tỷ đồng nhưng TPBank không chia cổ tức, để lại nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh năm nay.
Năm 2019, TPBank đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 3.200 tỷ đồng, tăng 41% so với năm ngoái. Tổng tài sản đạt 158.000 tỷ đồng, tăng hơn 10.000 tỷ đồng. Ngân hàng này đặt kế hoạch huy động vốn tăng hơn 20% lên 142.300 tỷ đồng và tín dụng tăng 20% lên 101.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%.
Anh Tú