Nỗi lo TP HCM bị vượt mặt về xuất khẩu được ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM chia sẻ tại hội nghị về đầu tư và xuất khẩu sáng 17/10.
Ông nói, nhìn cột mốc từ năm 2000 - năm mà Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Mỹ (BTA), hoạt động xuất khẩu liên tục phát triển và là lĩnh vực kinh tế quan trọng của thành phố. Tuy nhiên, số liệu thống kê mới đây cho thấy, hoạt động này có dấu hiệu chững lại khi tốc độ tăng trưởng trong 10 năm gần đây ở mức dưới 10% một năm.
Đồng quan điểm với ông Phong, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương thừa nhận, vẫn dẫn đầu cả nước về xuất khẩu hàng hóa nhưng hoạt động xuất khẩu của thành phố đã đến ngưỡng giới hạn.
Kim ngạch xuất khẩu ngày càng phụ thuộc vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2005, tỷ lệ thành phần kinh tế trong nước - nước ngoài là 55-45 thì đến cuối năm 2018 đảo ngược là 48,9-51,1. Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như điện, điện tử, dệt may, giày dép chủ yếu do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, xuất khẩu và tỷ lệ gia tăng không cao.
Theo ông Hòa, hoạt động đầu tư xã hội cho sản xuất hàng xuất khẩu, kết cấu hạ tầng như cảng biển, sân bay, đường giao thông, kho ngoại quan... còn thiếu và yếu, ảnh hưởng đến khả năng gia tăng quy mô sản xuất, xuất khẩu.
Trong khi đó, các tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Ninh đang có những bứt phá mạnh mẽ trong vài năm gần đây bởi kim ngạch xuất khẩu các linh kiện điện tử tăng cao. Do đó, nếu không có giải pháp chiến lược, đột phá, thành phố sẽ khó giữ vững đà tăng trưởng.
Để không mất lợi thế cạnh tranh, ông Hòa đề xuất có chiến lược và mô hình tăng trưởng. Cơ quan Nhà nước phải có cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ xuất khẩu, đẩy mạnh phát triển ngành logistic, quy hoạch lại hệ thống cảng biển, cảng sông và cơ sở hạ tầng...
Còn doanh nghiệp cần nâng cao tính cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực cho phù hợp với nhu cầu. Với nông sản, Trung Quốc đang là thị trường lớn, tiềm năng nên doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm để đẩy mạnh xuất khẩu bền vững qua chính ngạch thay vì tiểu ngạch như trước.
Theo TS. Đinh Công Khải, Viện trưởng Viện Chính sách Công, Đại học Kinh tế TP HCM, để ngăn chặn mức suy giảm về quy mô và tỷ trọng xuất khẩu, thành phố cần xây dựng chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh trong các cụm ngành xuất khẩu tiêu biểu (bao gồm hàng hóa, phần mềm, nội dung số và du lịch) theo hướng chuyên môn hóa hoạt động xuất khẩu. Song song đó, thành phố liên kết với doanh nghiệp xây dựng nền tảng cạnh tranh cho các ngành này trong tương lai. Ngoài ra, thành phố cần nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, thúc đẩy năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Theo thống kê, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu TP HCM ước đạt 38,1 tỷ USD, 9 tháng đầu năm ước đạt 30,7 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện thành phố có nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD một năm.
Hồng Châu