Sáng nay (8/5), tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019, TP HCM đã giới thiệu và mời gọi đầu tư vào 210 dự án, với tổng nhu cầu vốn gần 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương 53,8 tỷ USD. Các dự án thuộc 9 lĩnh vực gồm: hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, chỉnh trang đô thị, giáo dục, y tế, văn hóa - thể thao và du lịch - giải trí.
Bốn lĩnh vực có số dự án mời gọi lớn nhất là giao thông (85 dự án, tổng vốn 41,9 tỷ USD), cơ sở hạ tầng (36 dự án, tổng vốn 4,9 tỷ USD), chỉnh trang đô thị (29 dự án, tổng vốn 2,1 tỷ USD) và văn hóa - thể thao (15 dự án, tổng vốn 3,1 tỷ USD).
Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo một trong 4 hình thức: lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất theo thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá; lựa chọn nhà đầu tư dự án có dùng hình thức đấu thầu và PPP.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, để thực hiện các mục tiêu duy trì mức đóng góp ngân sách 27-28% cả nước, GRDP tăng 8,3-8,5%, Thành phố dự kiến bổ sung thêm 1.000 ha vào quy hoạch các khu công nghiệp để hút nhà đầu tư. Đồng thời, khuyến khích các dự án có chuyển giao công nghệ mới, công nghệ nguồn, đầu tư R&D và phát triển hạ tầng kỹ thuật.
Hướng đến xây dựng đô thị thông minh, Thành phố đang triển khai xây dựng 4 trung tâm là: kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; trung tâm mô phỏng và dự báo phát triển kinh tế - xã hội; trung tâm điều hành đô thị thông minh và trung tâm an toàn - an ninh thông tin.
"Vì sao các ngài nên đến TP HCM? Chúng tôi đã và cam kết sẽ tiếp tục đối thoại hàng năm với doanh nghiệp và công dân", ông Nguyễn Thiện Nhân nói và chia sẻ khó khăn do hạn chế của hạ tầng giao thông, đồng thời khẳng định đang cải thiện quyết liệt.
Hai trong số các lý do mà ông Nhân đưa ra để thuyết phục các nhà đầu tư quốc tế đến tham dự hội nghị lần này là TP HCM đóng vai trò cửa ngõ thuận lợi để thâm nhập thị trường Đông Nam Á ,với đời sống kinh tế - xã hội phong phú.
"Nếu tiếp cận 10 triệu dân TP HCM chưa đủ thì từ đây có thể đến các nước khu vực, có hàng trăm triệu người đang chờ. Nơi đây cũng là thành phố đa ngôn ngữ, đa văn hóa, món ăn phong phú. Các bạn đến đây, sống và đầu tư ở Việt Nam nhưng cũng sẽ tìm thấy một chút quen của quê hương mình", ông nói.
Ông Harold Chen - Phó chủ tịch Alpha King bày tỏ hy vọng được TP HCM cho phép nghiên cứu đầu tư xây dựng đường trên cao số 1 và số 2. Tập đoàn BRG cho biết quan tâm đến dự án Quy hoạch Khu đô thị sáng tạo. Keppel Land mong muốn Thành phố tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài giảm thiểu rủi ro đầu tư và hoạt động thông qua sự rõ ràng về chính sách, minh bạch hóa quy trình phê duyệt dự án, phát triển nguồn nhân lực.
Một số nhóm nhà đầu tư khác sáng nay cũng đặt vấn đề được tìm hiểu đầu tư các dự án hạ tầng về đường đô thị, nạo vét kênh rạch...; đề xuất thực hiện các dự án ngoài danh sách kêu gọi thuộc lĩnh vực công nghệ cao, xe buýt điện... Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng góp ý bổ sung thêm các dự án mời gọi đầu tư như dự án Bình Quới - Thanh Đa, dự án Nam Kênh Đôi, dự án Rạch Xuyên Tâm, các dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ...
Tính đến cuối năm 2018, TP HCM có 8.112 dự án đầu tư đến từ 101 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn là 44,94 tỷ USD. Riêng trong năm 2018, thu hút vốn FDI đạt 7,07 tỷ USD, tăng hơn 7% so với năm 2017, chiếm 22% tổng FDI cả nước.
Viễn Thông