Tại cuộc họp chủ trì bởi Ngân hàng Nhà nước mới đây, lần đầu tiên trong nhiều năm, lãnh đạo của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) lên tiếng về việc được chọn là thương hiệu quốc gia cũng như biến động giá vàng miếng SJC.
Bà Lê Thúy Hằng nói, từ năm 2012, SJC được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước lựa chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia. Kể từ đó, việc sản xuất vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước quản lý rất chặt chẽ trong tất cả các khâu, bắt đầu từ cân đo sản phẩm, kiểm tra series, đốt nấu và dập ra vàng miếng.
Giá để SJC gia công vàng miếng ở mức thấp 140.000 đồng một lượng. Trong 10 năm qua, SJC không được dập vàng miếng từ nguyên liệu và cũng mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh khi trở thành thương hiệu độc quyền quốc gia.
Mức lợi nhuận ròng của SJC giảm từ 300-400 tỷ mỗi năm từ trước 2012 xuống còn chưa đến 80 tỷ. "Công ty chỉ hoàn thành kế hoạch doanh số và lợi nhuận của UBND thành phố giao để có quỹ lương cho người lao động", bà Hằng chia sẻ.
Thời gian qua, giá trong nước vẫn luôn cao hơn thế giới nhưng chênh lệch lên tới 20 triệu đồng. Hiện tượng giá vàng miếng SJC ngày càng "vênh" so với thế giới khiến nhiều đại biểu Quốc hội, người dân thắc mắc và đặt ra nhiều nghi vấn về việc có bàn tay thao túng phía sau.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc SJC khẳng định hoàn toàn không có lợi khi giá vàng miếng chênh lệch, công ty cũng tuân thủ đúng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Theo bà Hằng, giá vàng trên thị trường, SJC không thể người thao túng hay làm giá mà do cung - cầu của thị trường quyết định. Công ty tham chiếu giá thế giới, sau đó theo cung - cầu thực tế ấn định giá vàng trong ngày.
"Không đơn vị nào có thể tự chủ động định giá trên thị trường", bà Hằng nhắc lại nhiều lần tại cuộc họp.
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập Đoàn Vàng Bạc Đá Quý DOJI - một trong những đơn vị kinh doanh SJC cũng chia sẻ, không có doanh nghiệp nào muốn giá vàng tăng quá cao, rất rủi ro vì người dân sẽ bán lại. Các doanh nghiệp và ngân hàng đều mong muốn giá vàng ở trạng thái tương đối bình ổn, bảo đảm hoạt động kinh doanh an toàn, lượng vàng cung ra trên thị trường nằm trong khả năng kiểm soát được.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết các cơ quan quản lý đã có thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vàng đều khẳng định chênh lệch giá vàng SJC với các loại vàng khác không mang về lợi nhuận cho doanh nghiệp nào. Nếu người dân chọn SJC, họ mua giá cao hơn và khi bán sẽ bán giá cao hơn.
Đại diện SJC cũng nói thêm, số lượng vàng trên thị trường còn rất ít. Có những thời điểm giá nguyên liệu và giá vàng SJC thấp hơn hoặc bằng giá của các thương hiệu trong nước nấu vàng miếng của SJC để sản xuất nhẫn và nữ trang. Đặc biệt, năm 2019, thị trường vàng xuất đi nước ngoài rất nhiều nên lượng vàng SJC trên thị trường hiện nay còn rất ít. Nguồn cung hiện tại không có trong khi nhu cầu thị trường vẫn có, do vậy tạo ra độ chênh về giá so với vàng thế giới.
Tương tự với nhận định của bà Hằng, giới kinh doanh cũng khẳng định chênh lệch giá vàng miếng SJC ngày càng lớn so với thế giới xuất phát từ cung - cầu, đặc biệt khi giá thế giới biến động mạnh trong hai năm gần đây.
Theo ước tính của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), số lượng vàng miếng SJC lưu thông trên thị trường trong chục năm nay duy trì ở mức 20 triệu lượng. Chia sẻ với VnExpress, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó chủ tịch VGTA ví von "vàng miếng SJC như một mặt hàng phiên bản giới hạn hay một món đồ cổ". Nguồn cung vàng miếng không đổi trong suốt mấy chục năm trong khi nhu cầu giao dịch vẫn có, vì thế giá vàng miếng SJC ngày càng lên cao.
Từ 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường, nên vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Sau đó, các loại vàng trang sức mỹ nghệ này còn được đem xuất khẩu.
Quỳnh Trang