Hơn 50% startup thất bại sau 5 năm hoạt động, 70% doanh nghiệp biến mất sau 10 năm hoạt động. Đây là số liệu ghi nhận từ khảo sát của website thông tin khởi nghiệp CB Insight. Với những doanh nghiệp còn tồn tại, tỷ lệ duy trì tăng trưởng và mở rộng quy mô chiếm phần rất nhỏ. Khảo sát của này cũng cho thấy, một trong những lý do lớn nhất khiến startup dừng bước là do thiếu động lực, đam mê và sự cam kết với ước mơ của mình. Bên cạnh đó những yếu tố như thiếu vốn, kiến thức quản trị, thiếu mô hình kinh doanh hiệu quả... cũng tác động mỗi ngày đến hoạt động của doanh nghiệp và có thể dẫn đến một kết thúc không có hậu cho startup.
tiNi - hệ sinh thái dành cho trẻ em sở hữu hệ thống sân chơi giáo – trí tiNiWorld, đã bước qua cột mốc 10 năm khởi nghiệp, tiếp tục trụ vững và phát triển lớn mạnh. Với mục tiêu tạo sân chơi thiết thực cho trẻ em Việt Nam, doanh nghiệp liên tục đổi mới, kiến tạo ra giá trị và dần hoàn thiện hệ sinh thái giáo - trí phục vụ hơn 10 triệu trẻ em trên cả nước.
Hệ sinh thái giáo - trí cho trẻ em Việt
Sân chơi tiNiWorld chính thức ra đời tại Eden Mall, Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM vào năm 2009. Đây là thành quả của tất cả tâm huyết, nguồn lực, tài sản của hai nhà đồng sáng lập, cùng với ước mơ mang đến tuổi thơ trọn vẹn cho trẻ em Việt Nam.
Sau 10 năm, tiNiWorld không còn là một sân chơi nhỏ lẻ mà đã phát triển thành một mạng lưới với 59 trung tâm phục vụ tối đa nhu cầu vui chơi, khám phá, trải nghiệm một cách toàn diện cho hàng triệu trẻ em Việt Nam mỗi năm.
"Khi nào vẫn còn nhân viên đồng hành, vẫn còn những em nhỏ mong mỏi có sân chơi, thì khi đó chúng tôi vẫn có động lực tiếp tục theo đuổi đam mê, mở thêm nhiều sân chơi mới, phát triển sản phẩm dịch vụ mới phục vụ các bé", bà Nguyễn Lê Chi Mai nhà đồng sáng lập hệ sinh thái tiNi khẳng định.
Từ một doanh nghiệp chưa đầy 10 thành viên buổi đầu thành lập, tiNi hiện đã phát triển thành tập thể hơn 3.000 nhân viên. Hệ sinh thái giáo - trí mang đến đa dạng mô hình hoạt động, dịch vụ và sản phẩm cho trẻ em Việt.
Trong đó, tiNiStore là hệ thống cửa hàng bán lẻ riêng biệt dành riêng cho trẻ em với hàng nghìn món đồ dùng, đồ chơi chất lượng từ các thương hiệu nổi tiếng. Nhiều phụ huynh chia sẻ, bước vào tiNiStore như bước vào cửa hàng trong mơ của trẻ bởi tính da dạng, phù hợp sở thích và nhu cầu vui chơi, phát triển của trẻ, từ đồ chơi, đồ dùng hàng ngày đến dụng cụ học tập... với mức giá hợp lý, phù hợp với yêu cầu của mọi gia đình Việt.
Bên cạnh đó, hàng triệu khách hàng của hệ sinh thái tiNi còn ấn tượng với thương hiệu đồ chơi tiNiToy - nổi bật với các dòng sản phẩm xe, búp bê và gần đây nhất là tiNiToy Brick - đồ chơi lắp ráp sáng tạo dành cho trẻ em.
Sau nhiều năm hợp tác với các hãng đồ chơi ngoại nhập và tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế cùng với việc nắm bắt nhu cầu thị trường, tiNiToy đã sáng tạo hơn 150 chủng loại sản phẩm, chất lượng cao, an toàn và giá cả vừa túi tiền với người tiêu dùng Việt Nam.
"Mong muốn của chúng tôi khi ra mắt thương hiệu tiNiToy là bất cứ trẻ em Việt nào cũng có thể sở hữu một món đồ chơi yêu thích trong tuổi thơ của mình", đại diện doanh nghiệp phát biểu.
Doanh nghiệp cũng đã ra mắt mô hình tiNiPark và kênh giải trí trực tuyến tiNiTV. tiNiPark là mô hình sân chơi vận động thể thao hiện đại dành cho giới trẻ và gia đình, nhằm tiếp tục phục vụ cho những khách hàng đồng hành cùng tiNiWorld trong 10 năm qua. Tại đây, các em tham gia nhiều khu vực vận động giúp tăng cường sức khỏe, hứng thú hơn trong việc tập luyện thể thao. Còn tiNiTV là kênh giải trí tuổi thơ dành cho bé và gia đình với nội dung giải trí, giáo dục phong phú phù hợp với trẻ em Việt Nam.
Ước mơ tuổi thơ trọn vẹn cho trẻ em Việt
Sự phát triển lớn mạnh của hệ sinh thái tiNi xuất phát từ những ước mơ gắn liền với tuổi thơ của những nhà sáng lập. Bà Nguyễn Lê Chi Mai - đồng sáng lập kiêm Phó tổng giám đốc chia sẻ, ngày xưa, chỉ cần vài viên đá, sợi thun, những con búp bê bằng giấy là bà cùng nhóm bạn có thể chơi đùa thỏa thích và bay bổng trí tưởng tượng.
"Sau này lớn lên, có dịp đi nhiều nơi, nhìn thấy niềm hạnh phúc của trẻ em nước ngoài trong những sân chơi hiện đại, tôi mong muốn trẻ em Việt cũng được hưởng những điều tương tự", bà Mai chia sẻ.
Còn ông Thomas Joseph Vũ Ngô - đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc của hệ sinh thái tiNi - trong một lần trở về thăm quê hương, trên chuyến tàu Thống Nhất dọc theo đất nước, hình ảnh trẻ em vui chơi trên đồng với con trâu, cánh diều đã thôi thúc trong ông ý tưởng làm điều gì đó giúp các em tiếp cận những trò chơi mới mẻ, không chỉ đơn thuần về thể chất mà còn thúc đẩy cả sự sáng tạo.
Trong giai đoạn đầu khó khăn, với nguồn lực ít ỏi, chủ doanh nghiệp kiêm nhiệm nhiều vị trí từ tuyển dụng, đào tạo, cho đến lắp đặt, trưng bày, phát tờ rơi. Những thách thức buổi đầu không làm vơi đi niềm vui khi nhìn những lượt khách đầu tiên vui đùa trong khuôn viên tiNiWorld.
"Khi nhìn thấy các bé vui cười, trong lòng tôi hạnh phúc như vỡ òa vì lần đầu tôi thấy ước mơ của mình thành hiện thực", bà Nguyễn Lê Chi Mai nói.
Suốt 10 năm phát triển, doanh nghiệp đã trải qua nhiều thăng trầm. Đã có những lúc ước mơ mang niềm vui đến cho hàng triệu trẻ em Việt bị gián đoạn khi địa điểm tiNiWorld đầu tiên bị yêu cầu di dời vì trung tâm thương mại đóng cửa. Năm 2010, cùng với niềm đam mê chưa từng thay đổi, tập thể tiNiWorld tiếp tục gây dựng lại sân chơi với quy mô nhỏ hơn ở một vài địa điểm khác trong thành phố. Nụ cười con trẻ trở lại cũng là lúc tiNiWorld dần trưởng thành và phát triển hệ thống rộng khắp toàn quốc như ngày nay.
Xuất phát từ niềm đam mê xây dựng sân chơi toàn diện cho trẻ, tiNiWorld đã dần lớn mạnh thành hệ sinh thái và trở thành cái tên dẫn đầu thị trường dịch vụ giáo - trí cho trẻ em tại Việt Nam. Với động lực và kỳ vọng mở rộng của hai nhà đồng sáng lập và đội ngũ 3.000 nhân viên, hệ sinh thái tiNi dự kiến tiếp tục phát triển và lấn sang nhiều lĩnh vực với kim chỉ nam duy nhất là mang đến tuổi thơ trọn vẹn cho trẻ em Việt.
Hiện tại Việt nam, quy mô thị trường các dịch vụ vui chơi dành cho trẻ em ước tính vào khoảng 3,1 tỷ USD một năm, mức sinh lợi theo các doanh nghiệp vào khoảng 30%. Ngoài ra, quy mô thị trường các sản phẩm tiêu dùng trẻ em như đồ chơi, quần áo có trị giá khoảng 1,1 tỷ USD.
Nam Anh