Tại họp báo công bố kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2019 sáng nay (31/1), Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tăng trưởng tín dụng rơi vào khoảng 13,5%, sát với mục tiêu đề ra 14% từ đầu năm. Theo đó, đây là tỷ lệ tăng trưởng tín dụng thấp nhất kể từ năm 2014.
Đến cuối 2019, tín dụng với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 11%, chiếm khoảng 25% tổng dư nợ nền kinh tế. Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 16%, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng khoảng 15%.
Theo báo cáo về môi trường kinh doanh 2020 của nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào cuối tháng 10, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam xếp 25/190 nền kinh tế, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN.
Đến cuối năm 2019, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13% so với cuối 2018, thanh khoản hệ thống được đảm bảo, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chi trả cho nền kinh tế.
Ước tính đến tháng 12/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống là 1,89%, đạt mục tiêu dưới 2%. Từ năm 2012 đến cuối tháng 12/2019, hệ thống đã xử lý được hơn 1 triệu tỷ nợ xấu. Từ giữa tháng 8/2017 đến hết năm 2019, ước xử lý được gần 306.000 tỷ nợ xấu theo Nghị quyết 42 (không gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt).
Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, chính sách tiền tệ năm 2019 đã đạt các mục tiêu đề ra, góp phần ổn định môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân. Việc điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần giữ ổn định mặt bằng lãi suất (có giảm nhẹ), tỷ giá và ngoại hối ổn định. Dòng vốn tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực ưu tiên, hạn chế rót vào lĩnh vực rủi ro.
Phó thống đốc cho biết mục tiêu cuối cùng của chính sách tiền tệ là kiểm soát lạm phát, cũng đã đạt được, giúp lạm phát ở mức thấp 7,02%. Bà khẳng định mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của năm 2020 là tiếp tục kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp và ổn định kinh tế vĩ mô.
Quỳnh Trang