Trong một hội thảo gần đây tại Bắc Kinh, Li Yang - Chủ tịch Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho rằng dự án tiền điện tử Libra của Facebook có thể tác động mạnh nhất đến Trung Quốc về mặt giao dịch, như thanh toán hóa đơn, hoặc mua hàng hóa - dịch vụ. Đây là lĩnh vực các công ty Trung Quốc đã có hệ thống thanh toán di động khá vững chắc và hiện được giới chức nới lỏng quản lý nhất.
Libra có thể được sử dụng bởi 2,7 tỷ người dùng Facebook trên toàn cầu. Đây là lợi thế khổng lồ của tiền điện tử này trong các giao dịch xuyên biên giới.
Vì thế, Li cho rằng Libra là mối đe dọa nghiêm trọng với các nền tảng thanh toán di động hiện có tại Trung Quốc, như Alipay của Alibaba hay WeChat Pay của Tencent. "Trung Quốc đã tạo ra một bức tường ngăn tác động từ nước ngoài vào hoạt động thanh toán trong nước. Chúng ta đã có tiến triển tuyệt vời từ sự bảo vệ này. Tuy nhiên, trong tương lai, chúng ta sẽ phải đối mặt với thử thách thực sự nếu làm việc với các hãng thanh toán nước ngoài", ông cho biết.
Dù vậy, Li cho rằng Facebook sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề nếu muốn Libra trở thành phương tiện thanh toán. "Libra vẫn còn phải đi một chặng đường dài để trở thành một loại tiền tệ", ông nói.
Li nhận định Libra có thể vận hành theo 2 cách. Một là tương tự Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Hai là đầu tư số vốn huy động được vào một rổ tài sản thanh khoản cao, tương tự dự trữ ngoại hối mà các ngân hàng trung ương dùng để hỗ trợ nội tệ. Áp dụng cơ chế nào "là điều Libra cần cân nhắc".
Li không phải chuyên gia duy nhất tại Trung Quốc lo ngại về ảnh hưởng của Libra trong lĩnh vực thanh toán. Đầu tuần trước, trong một hội thảo tại Bắc Kinh, Wang Xin - Giám đốc cơ quan nghiên cứu thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng cho rằng tính năng thanh toán quốc tế của Libra có thể tác động mạnh lên chính sách tiền tệ, ổn định tài chính và thậm chí cả hệ thống tiền tệ quốc tế. Vì thế, việc này đòi hỏi sự giám sát của ngân hàng trung ương.
Wang cho biết dự án của Facebook đã buộc PBOC tăng tốc nghiên cứu tạo ra tiền ảo riêng của cơ quan này, để đối phó với các mối đe dọa trên. PBOC là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới bắt đầu nghiên cứu tiền kỹ thuật số từ năm 2014. Năm 2017, họ còn thành lập một cơ quan chuyên trách vấn đề này.
Trung Quốc là nước có quan điểm khá khắc nghiệt với tiền điện tử. Gần 2 năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng hàng loạt chính sách để thu hẹp ngành này, do lo ngại bong bóng đầu cơ, lừa đảo và lãng phí năng lượng. Họ đã cấm hoạt động ICO (phát hành tiền ảo để huy động vốn), và kêu gọi các sàn giao dịch trong nước ngừng mua bán tiền số.
Ngày 18/6, Facebook thông báo sẽ ra mắt tiền kỹ thuật số mới – Libra vào nửa đầu năm sau. Libra không do Facebook điều hành, mà thuộc quản lý của Libra Association - một tổ chức phi lợi nhuận được sự ủng hộ của hàng loạt công ty khác, như Visa, PayPal, eBay, Lyft, Uber và Spotify. Tiền số này sẽ được tạo ra trên nền tảng khối chuỗi mới, được bảo đảm bằng trái phiếu chính phủ ngắn hạn và tiền gửi ngân hàng.
Hà Thu (theo Caixin/SCMP)