Sự bứt phá của doanh nghiệp nội
Theo báo cáo của Google và Temasek, thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 đạt quy mô con số 5 tỷ USD, tăng trưởng gấp 12 lần so với 4 năm trước đó. Thị trường đón nhiều kỳ vọng đạt mốc 23 tỷ USD vào năm 2025.
Ông Ngô Hoàng Gia Khánh - Phó tổng giám đốc Phát triển doanh nghiệp Tiki cho biết, đây là năm ngành thương mại điện tử chứng kiến sự rút lui của một số doanh nghiệp. Điển hình MWG đóng cửa trang Vuivui.vn vào tháng 12/2018, sau đó Central Group đóng cửa trang Robins.vn vào giữa năm 2019. Cuối năm 2019 là một loạt thay đổi về chiến lược bán lẻ của Vingroup bao gồm việc tái cấu trúc trang thương mại điện tử Adayroi.
Trước sự ra đi của một số đơn vị trong năm qua, đồng thời từ quan sát trên thế giới, có thể thấy những thị trường mới như thương mại điện tử thường rất sôi động ở giai đoạn đầu, nhưng sau đó chỉ còn vài doanh nghiệp trụ lại và chiếm phần lớn thị phần. Câu hỏi đặt ra là liệu kịch bản này có lặp lại với thị trường thương mại điện tử Việt Nam hay không.
Đại diện Tiki cho hay, nếu chỉ gói gọn trong thương mại điện tử, kịch bản như trên có thể diễn ra. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn cho cả nền kinh tế số và toàn ngành bán lẻ online lẫn offline, sẽ có nhiều đơn vị cùng thắng miễn họ mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng.
Riêng Tiki, năm 2019 cũng là năm chứng kiến nhiều cột mốc quan trọng của hệ sinh thái thương mại "tất cả trong một" với sự đóng góp của các công ty thành viên. Trong đó đơn vị bán lẻ Tiki Trading và sàn giao dịch Marketplace mang đến hơn 10 triệu sản phẩm và dịch vụ chính hãng cho khách hàng trên toàn quốc. Công ty TikiNOW Smart Logistics mang đến dịch vụ vận hành, kho bãi toàn diện với 67.000 m2 diện tích kho bãi vào cuối năm 2019 - tăng gấp đôi so với cuối năm 2018. Nền tảng bán vé trực tuyến Ticketbox giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận với những chương trình giải trí, sự kiện, khóa học...
Đại diện Tiki cho biết, tên gọi Tiki lấy cảm hứng từ hai yếu tố "tìm kiếm" và "tiết kiệm". Do đó trong tương lai, công ty sẽ tiếp tục mang lại nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn nữa để khách hàng tìm mua bất kỳ mặt hàng, dịch vụ nào với chi phí hợp lý, tiết kiệm thời gian.
Cơ hội và thách thức đan xen trong 2020
Nhận định về năm 2020, ông Gia Khánh cho biết đây là sẽ một năm đầy thử thách với startup nói chung và doanh nghiệp công nghệ nói riêng. Việc nhiều công ty khởi nghiệp trong mảng công nghệ thực hiện IPO không như mong đợi trên thế giới như Uber, Slack hay Wework, đã ảnh hưởng khá nhiều đến các nhà đầu tư trong việc định giá và ra quyết định đầu tư doanh nghiệp, mặc dù mỗi công ty và mỗi ngành nghề sẽ có những đặc thù khác nhau.
Ông Gia Khánh dự báo, những bất ổn về tình hình vĩ mô như kinh tế, chính trị toàn cầu cũng tác động đến dòng vốn. Điều này có thể dẫn đến lượng tiền đầu tư vào các mô hình khởi nghiệp công nghệ sẽ giảm đi đáng kể.
Tuy nhiên, đây lại chính là cơ hội để các doanh nghiệp chứng minh thực lực. Những doanh nghiệp mang lại nhiều giá trị thiết thực, lâu dài cho khách hàng và kiểm soát dòng tiền hiệu quả sẽ là những nhân tố tiếp tục trụ vững trên thị trường và hướng đến phát triển bền vững.
"Các đơn vị với nền tảng công nghệ vững chắc, hiệu quả sử dụng vốn cao cùng tư duy luôn hướng đến quyền lợi khách hàng sẽ tận dụng được đà tăng trưởng của ngành để đột phá và giành lợi thế thị phần", đại diện Tiki nhấn mạnh.
Phó tổng giám đốc Tiki cũng cho rằng có những yếu tố mà theo thời gian vẫn giữ giá trị trong trải nghiệm khách hàng, đó là sự đa dạng của sản phẩm, giá tốt và sự tiện lợi khi mua sắm. Đây cũng là ba yếu tố mà đơn vị này tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2020.
Đồng thời, doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác với nhiều đối tác chiến lược, giúp hoàn thiện hệ sinh thái thương mại Tiki.
Minh Anh