Thống kê của Cục Hải quan TP HCM cho thấy, 6 tháng đầu năm, thành phố đã chi hơn 10 triệu USD để nhập 5.648 tấn thịt heo, tăng gần 4.800 tấn về lượng, gần 8,1 triệu USD kim ngạch so với 6 tháng đầu năm 2018.
Các doanh nghiệp nhập khẩu hàng nhiều nhất từ Brazil với 2.368 tấn, kim ngạch 4,39 triệu USD; Mỹ 874 tấn với 1,75 triệu USD; Ba Lan 848 tấn với 1,41 triệu USD; Bỉ 238 tấn với 620.000 USD; Hà Lan 210 tấn với 431.000 USD...
Theo đánh giá của Sở Công Thương, lượng thịt nhập khẩu tăng chủ yếu do giá chỉ khoảng 30.000 đồng một kg, thấp hơn giá heo hơi trong nước. Ngoài ra, từ cuối năm 2018, Việt Nam mở cửa trở lại với thịt heo từ quốc gia Nam Mỹ nên lượng heo nhập tăng đột biến.
Chị Hoa, chủ cơ sở bán thịt nhập ở quận Gò Vấp cho biết, loại thịt heo nhập khẩu 30.000 đồng một kg đa phần là thịt cổ, vai, nách. Đây là nhóm rẻ nhất, phù hợp với các cơ sở sản xuất giò, chả. Riêng với nhóm heo pha lóc loại ngon hoặc heo mảnh, giá nhập tăng gấp đôi so với đầu năm, từ 35.000 đồng lên 70.000 đồng một kg.
Ông Lê Văn Tiển, Phó giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn cho rằng, dù heo nhập khẩu đang có giá hấp dẫn, nhưng thịt heo nóng vẫn là lựa chọn hàng đầu của người Việt. Tính bình quân giá thịt heo đã giết mổ nguyên con không dưới 40.000 đồng một kg.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng quản lý thương mại Sở Công Thương TP HCM, thói quen tiêu dùng của người Việt khó thay đổi, nhưng kênh hiện đại đang chiếm 25% thị trường bán lẻ. Nếu tích cực kích cầu kênh này và hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm mát, đông lạnh thì theo thời gian người dùng sẽ thích ứng.
Hồng Châu