Cổ phiếu Country Garden đã giảm 16% trên sàn Hong Kong kể từ phiên 8/8, sau thông tin hãng này lỡ hạn thanh toán hai lô trái phiếu niêm yết bằng USD. Một số lô trái phiếu khác của Country Garden phát hành bằng nhân dân tệ hôm đó cũng đã bị ngừng giao dịch trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến, do mất giá hơn 20%.
Cũng trong ngày 8/8, trang tin Paper.cn (Trung Quốc) trích nguồn tin thân cận cho biết Country Garden đang "chịu sức ép thanh khoản tạm thời" do doanh số lao dốc và môi trường tài chính khó khăn. Họ đang "tích cực" tìm vốn để giải quyết chuyện nợ nần và bảo đảm lợi ích hợp pháp của các chủ nợ.
Dù vẫn có 30 ngày ân hạn trước khi bị dán nhãn "vỡ nợ", việc niềm tin trên thị trường lao dốc cho thấy nhà đầu tư đang lo lắng về tương lai của công ty này. Năm ngoái, Country Garden là hãng bất động sản lớn nhất Trung Quốc về doanh số. Họ cũng là một trong những hãng địa ốc hiếm hoi chưa vỡ nợ kể từ khi bất động sản Trung Quốc rơi vào khủng hoảng thanh khoản hai năm trước.
Tuy nhiên, nửa đầu năm nay, Country Garden rơi xuống vị trí thứ 5 về doanh số, theo hãng nghiên cứu bất động sản hàng đầu Trung Quốc China Index Academy. Đây là dấu hiệu cho thấy kể cả những người chơi lớn nhất cũng đang chịu tác động từ khủng hoảng.
"Nếu Country Garden xuống dốc, khủng hoảng niềm tin trên thị trường địa ốc sẽ xuất hiện", Edward Moya – nhà phân tích tại OANDA nhận định.
Cổ phiếu Country Garden đã mất giá hơn 30% kể từ tuần trước. Hãng cũng cảnh báo lỗ ròng nửa đầu năm.
"Công ty sẽ cân nhắc áp dụng nhiều biện pháp để đảm bảo dòng tiền. Chúng tôi cũng sẽ tích cực tìm kiếm sự trợ giúp từ chính phủ và cơ quan chức năng", công ty cho biết trong một thông báo hôm 31/7.
Một ngày sau, báo giới đưa tin công ty này hủy kế hoạch phát hành cổ phiếu mới để huy động 300 triệu USD. Hôm 3/8, hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s hạ xếp hạng của Country Garden xuống B1, đồng nghĩa nợ của công ty này có "rủi ro cao".
"Việc hạ xếp hạng phản ánh dự báo của chúng tôi, rằng thanh khoản của Country Garden sẽ yếu đi do doanh số sụt giảm, khả năng tiếp cận vốn bị bó hẹp và khối nợ lớn sắp đáo hạn trong 12-18 tháng tới", Kaven Tsang – Phó giám đốc cấp cao tại Moody’s giải thích.
Bất động sản Trung Quốc rơi vào khủng hoảng từ giữa năm 2021. Nguyên nhân được cho là chính sách "ba lằn ranh đỏ" của Bắc Kinh, được tung ra nhằm giảm rủi ro hệ thống bằng cách hạn chế khả năng vay mới của các hãng địa ốc.
Nhiều vụ vỡ nợ của các đại gia bất động sản Trung Quốc từ năm 2021 đã làm giảm niềm tin của người dân. Họ lo ngại sẽ không bao giờ được nhận nhà sau khi đã trả tiền trước. Doanh số bán nhà mới của 100 hãng bất động sản lớn nhất Trung Quốc giảm 33% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, cùng ba năm bị phong tỏa chống Covid-19, cũng khiến họ ngại mua nhà.
Nhà đầu tư coi việc hồi sinh lĩnh vực này là thiết yếu với nền kinh tế. Bất động sản hiện đóng góp 30% GDP Trung Quốc.
Nhiều tín hiệu gần đây từ giới chức cho thấy Bắc Kinh ngày càng lo lắng về tăng trưởng. Đầu tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cam kết "điều chỉnh và tối ưu" chính sách để đảm bảo ngành bất động sản phát triển bền vững. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tháng trước cũng cho biết sẽ cho các hãng địa ốc thêm 12 tháng để trả nợ đáo hạn năm nay.
Hà Thu (theo CNN, Bloomberg)