Kế hoạch trên sẽ được Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) lấy ý kiến cổ đông trong phiên họp thường niên cuối tháng 4. Đối tượng phát hành là những đối tác, nhà đầu tư trong khu vực hoặc trên thế giới chào mua với định giá cao nhất. Lượng cổ phần này sẽ không hướng đến các đối thủ cạnh tranh trực tiếp tại thị trường Việt Nam.
Số tiền thu về sẽ đầu tư cho trung tâm phân phối, tài sản cố định, công nghệ. Ngoài ra, Thế Giới Di Động còn muốn dồn lực để phát triển kênh bán hàng online và mở rộng chuỗi Bách Hóa Xanh ra toàn quốc.
Theo báo cáo tài chính riêng đã kiểm toán, Thế Giới Di Động đang nắm 99,95% vốn của Bách Hóa Xanh. Giá gốc khoản đầu tư khoảng 12.825 tỷ đồng tính đến cuối năm ngoái.
Chiều 31/3, Thế Giới Di Động cũng đã thông báo ông Trần Kinh doanh từ nhiệm tất cả chức vụ gồm Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Cuối năm ngoái, ông Doanh đã thôi điều hành chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng theo nguyện vọng cá nhân. Tuy nhiên, công ty khi đó cho biết ông Doanh tiếp tục gắn bó và đóng góp ý tưởng, chiến lược phát triển tập đoàn với vai trò là thành viên Hội đồng quản trị.
Chiều qua, công ty này đồng thời bổ nhiệm ông Trần Huy Thanh Tùng làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Ông Tùng là cổ đông sáng lập, thành viên Hội đồng quản trị và từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng từ khi thành lập như Kế toán trưởng, Giám đốc tài chính, Trưởng ban kiểm soát, Chủ tịch Uỷ ban kiểm toán. Ông Tùng hiện nắm 5,3 triệu cổ phiếu MWG, tương ứng gần 0,75% vốn.
Năm nay, Thế Giới Di Động dự kiến đạt 140.000 tỷ đồng doanh thu và 6.350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Ban lãnh đạo đánh giá, đây là mục tiêu thách thức khi hai chỉ số trên tăng trưởng lần lượt 14% và 30% so với thực hiện năm 2021. Hai chuỗi bán lẻ điện thoại, sản phẩm công nghệ và điện máy được xem như trụ cột mang lại dòng tiền chính, nhưng Bách Hóa Xanh vẫn được kỳ vọng góp 20-25% doanh số cho MWG.
Năm nay, chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng này sẽ tạm ngưng mở mới sau khi có được mạng lưới hoạt động hơn 2.100 điểm bán. Thay vào đó, Bách Hóa Xanh sẽ củng cố nền tảng vận hành và chuẩn bị cho mở rộng từ năm 2023.
Hai tháng đầu năm, chuỗi này ghi nhận doanh thu lũy kế 3.900 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ 2021. Sang tháng 3, lượt khách hàng và sản lượng hàng tươi sống bán ra tăng gần gấp đôi so với trung bình 2 tháng đầu năm. Doanh nghiệp kỳ vọng doanh thu tháng 3 vẫn tăng trưởng dương so với cùng kỳ và quay lại mức trước đợt bùng phát dịch của năm ngoái.
Trong phiên họp thường niên sắp tới, công ty cũng sẽ trình chủ trương đầu tư hoạt động bán lẻ tại Indonesia. Hồi giữa tháng 3, Thế Giới Di Động đã công bố hợp tác chiến lược cùng Tập đoàn Erajaya để lập liên doanh PT Era Blue Elektronik (Era Blue). Mục tiêu của liên doanh là phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ điện máy đứng đầu Indonesia và niêm yết công ty này trong 5 năm tới. Cửa hàng Era Blue đầu tiên dự kiến mở cửa phục vụ người tiêu dùng vào giữa năm 2022 tại thủ đô Jakarta.
Giai đoạn 2022-2023, MWG sẽ thực hiện M&A với các doanh nghiệp bán lẻ cùng ngành và ngành khác có liên quan. Công ty cũng nhắm đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động bán lẻ như vận tải giao vận, sửa chữa bảo hành, kho vận logistics, công nghệ thông tin, phát triển phần mềm...
Thời gian gần đây, "đế chế" bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài liên tục thử nghiệm các chuỗi kinh doanh khác nhau như sản phẩm mẹ và bé, đồ thể thao, thời trang, trang sức và xe đạp. Doanh nghiệp này công bố, các điểm bán mới đóng góp hơn 100 tỷ đồng doanh thu trong 2 tháng đầu năm nhờ khai trương trúng dịp Tết. Thời gian tới, chuỗi bán lẻ sản phẩm mẹ và bé sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 ở quy mô 30-50 cửa hàng để tiếp tục đánh giá hiệu quả kinh doanh.
Tất Đạt - Phương Đông