Bộ Thông tin & Truyền thông vừa chỉ đạo các Sở Thông tin & Truyền thông phối hợp với chính quyền địa phương, công an, lực lượng quản lý thị trường tiến hành thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động. Theo đó các Sở sẽ thanh tra các nhà mạng, tổ chức, cá nhân, cửa hàng, đại lý phân phối, bán sim điện thoại.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh, cơ quan quản lý nhận thấy, sim rác vẫn được bày bán công khai, người dân không cần giấy tờ tùy thân vẫn có thể mua để sử dụng một cách dễ dàng.
Quy định hiện hành không giới hạn số lượng sim mà người dân, tổ chức, doanh nghiệp được sử dụng. Lợi dụng điều này, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã đăng ký thông tin cho hàng nghìn, thậm chí vài chục nghìn sim điện thoại nhưng không rõ các sim này đang ở đâu, do ai sở hữu sử dụng.
"Doanh nghiệp còn ủy quyền các cá nhân không rõ có phải là nhân viên hay không để ký giao kết hợp đồng sử dụng thuê bao di động với tần suất cách nhau một vài ba ngày một lần để sử dụng vài ba trăm sim. Thậm chí, chủ đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông trực tiếp dùng chứng minh nhân dân, thẻ căn cước đăng ký thông tin thuê bao cho hàng trăm sim, khi được kiểm tra thì báo bị mất", Bộ Thông tin & Truyền thông đánh giá.
Chưa kể, có tình trạng nhà mạng ký hợp đồng với các cá nhân bên ngoài để làm điểm cung cấp dịch vụ. Thậm chí, các điểm này còn ủy quyền lại, ký tiếp hợp đồng với các doanh nghiệp, cá nhân khác để đăng ký thông tin thuê bao.
Liên quan đến chiến dịch ngăn chặn sim rác, đầu năm 2019, Bộ này đã ban hành văn bản nêu rõ, khi phát hiện tình trạng SIM rác được bán, Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ có công văn nhắc nhở chủ tịch, tổng giám đốc hai lần trước khi báo cáo Thủ tướng xem xét chỉ đạo xử lý hành chính, kỷ luật. Bên cạnh đó, lãnh đạo các nhà mạng không được xem xét tặng các danh hiệu nếu để xảy ra sim rác.
Nguyễn Hà