Tham gia diễn đàn về thanh toán không dùng tiền mặt diễn ra sáng ngày 11/6, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết trong năm 2018, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam ghi nhận kết quả tích cực. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn 73 triệu tỷ đồng, gấp 13 lần GDP, tương đương 13 tỷ USD một ngày, tăng 25% so với năm 2017.
Giá trị thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng 169,5% so với năm 2017. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt so với tổng phương tiện thanh toán ghi nhận 14%.
Trong khi đó khảo sát của PwC tại 27 quốc gia đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở Việt Nam tăng từ 37% lên 61%.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành, ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp phấn đấu trong ba năm tới, đưa tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt lên mức hơn 30%, trong đó đề cao hai yếu tố: tốc độ tăng trưởng nhanh và tính phổ cập sâu rộng trên khắp cả nước.
Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp nhìn nhận các tổ chức tài chính, doanh nghiệp trung gian thanh toán, cung ứng dịch vụ... hầu hết đang rất nỗ lực thu hút khách hàng tham gia thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên vẫn còn tồn tại bài toán lớn là trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chưa thực sự thuận tiện. Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc điều hành sàn thương mại điện tử Shopee nêu ví dụ trên một ứng dụng ví điện tử, cần tới 18 bước mới có thể kích hoạt tài khoản ngân hàng thành công. Trong khi người dùng chỉ cần tốn quá ba bước là đã có thể rời bỏ ứng dụng.
"Người dùng, đặc biệt là giới trẻ không thích mất quá nhiều thời gian thao tác. Với một đơn hàng trên mạng trị giá 100.000-200.000 đồng, nhiều người vẫn chọn cách thanh toán không tiền mặt vì nhanh, gọn, nhận hàng mới giao tiền", ông Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Đồng tình ý kiến trên, ông Trần Quốc Anh, Giám đốc khối khách hàng cá nhân của HDBank cho biết, nhìn từ góc độ công nghệ, hiện Việt Nam đã triển khai hầu hết công cụ thanh toán phi tiền mặt hiện đại như thẻ, ví điện tử, mã QR... Vấn đề là làm sao để người tiêu dùng sử dụng thuận tiện. Đại diện ngân hàng nêu ba vấn đề cần cải thiện.
Trước hết, các ngân hàng cần có chính sách và nguồn lực lớn để kết nối với các điểm bán hàng tiêu dùng vào hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt. Bêncạnh đó, các đơn vị cũng cần đẩy mạnh thu hút người tiêu dùng trên khắp cả nước mở mới tài khoản thanh toán, nhất là ở vùng sâu vùng xa chưa có điều kiện tiếp cận tài khoản, thẻ ngân hàng, ví điện tử...
Đồng thời, các thủ tục mở mới tài khoản thanh toán, thẻ, ví điện tử cần tinh gọn thủ tục, chú ý trải nghiệm khách hàng, nâng cao sự thuận tiện khi sử dụng.
Ông Trần Quốc Anh cho biết với nguồn khách hàng lên đến hai triệu khách, HDBank hiện triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Ngân hàng ưu tiên sử dụng công nghệ thanh toán hiện đại nhất trên thế giới nhằm phục vụ các đối tác, khách hàng, kể cả khách hàng của HD Saison và Vietjet Air.
Trên nền tảng công nghệ hiện đại, nhà băng đẩy mạnh các chương trình ưu đãi thu hút người dùng mở mới thẻ, sử dụng các dịch vụ thanh toán phi tiền mặt. Mới đây nhất, HDBank đã hợp tác với Vietjet triển khai dịch vụ mua trả góp vé máy bay trên website của hãng hàng không. Vào ngày 16/6 - ngày thanh toán không tiền mặt sắp tới, đơn vị cũng sẽ ưu đãi hoàn tiền 36% giá vé dành cho khách hàng thanh toán tiền vé máy bay bằng ứng dụng HDBank và Vietjet.
Với các chương trình ưu đãi liên tiếp trong mùa hè, đại diện ngân hàng kỳ vọng sẽ tăng số lượng người dùng ứng dụng HDBank lên 1.700 người.
"Trải nghiệm đầu tiên của khách hàng với các phương tiện thanh toán không tiền mặt rất quan trọng, quyết định họ có tiếp tục sử dụng phương thức đó hay không. Với các ưu đãi lớn, chúng tôi kỳ vọng mang đến cho khách hàng sự hài lòng, từ đó khuyến khích một xã hội không tiền mặt", ông Trần Quốc Anh nhấn mạnh.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định, trên tiến trình thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt, cần xây dựng hạ tầng thanh toán quốc gia, xử lý thanh toán theo thời gian thực, vận hành liên tục 24x7, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong nền kinh tế số. Nhất là tăng khả năng kết nối, tích hợp và xử lý thanh toán cho tất cả các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ.
Đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành ngân hàng, tăng cường hợp tác ngân hàng và các doanh nghiệp công nghệ tài chính (Fintech) để tạo sự phát triển năng động, bứt phá trong hoạt động ngân hàng, gia tăng lợi ích và sự hài lòng của khách hàng. Cùng với đó, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ phải đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống trong ngành ngân hàng.
Khánh Anh