Một loạt cửa hàng Món Huế tại TP HCM và Hà Nội với vị trí đắc địa đã đóng cửa, trả mặt bằng trong một tháng gần đây. Trong khi đó, nhiều nhà cung cấp đã đến trụ sở của Công ty Huy Việt Nam - công ty mẹ của chuỗi nhà hàng này - tại TP HCM để căng băng rôn, tố cáo doanh nghiệp nợ tiền nhiều tháng không trả, từ vài triệu tiền mực in, đá lạnh, cho tới hàng tỷ đồng thực phẩm. Chiều tối ngày 22/10, website của Huy Việt Nam dừng hoạt động.
Xuất hiện trên thị trường từ năm 2007, nhận hàng chục triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài, có thời điểm ông chủ của chuỗi Món Huế là một trong những cái tên hấp dẫn nhất trên thị trường chuỗi nhà hàng. Mark Mobius, nhà đầu tư nổi tiếng của Mỹ, đã rót 15 triệu USD vào Huy Việt Nam năm 2015, từng khẳng định "sẽ rót thêm vốn bất cứ khi nào công ty này cần". Nhưng những biến cố liên tiếp xảy ra, từ nợ lương, nợ tiền thuê mặt bằng, tiền nguyên liệu và đỉnh điểm là việc đóng cửa hàng loạt cửa hàng đã cho thấy một tương lai không mấy tích cực, thậm chí là dấu hiệu cho sự "biến mất" của chuỗi nhà hàng này.
Hơn thập kỷ trước, ông Huy Nhật, người Mỹ gốc Việt trở về Việt Nam với tham vọng xây dựng những chuỗi nhà hàng theo phong cách riêng biệt. Ông chủ tuổi Giáp Dần chọn logo con hổ cho Huy Việt Nam và bắt tay vào tạo dựng những chuỗi nhà hàng đầu tiên.
Thành lập tháng 1/2007, Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế là cái tên đầu tiên trong danh mục thương hiệu do ông xây dựng. Được giới thiệu là nhà hàng "đặc trưng ẩm thực Huế", Món Huế xây dựng theo mô hình chuỗi nhà hàng ăn tại chỗ, với thực đơn hơn 60 món khác nhau, nhằm vào phân khúc món ăn vừa túi tiền nhưng được quảng bá là "nổi trội về hương vị".
Hệ thống này sau đó được mở rộng ra hàng loạt thương hiệu khác như Phở Ông Hùng, Cơm Express, Great Bánh mì & cafe, Cơm Thố Cháy, Phở 99, Iki sushi, Shilla Korean BBQ Restaurant hay Mì Quảng Bếp Tâm. Tuy nhiên, Món Huế vẫn là chuỗi "hạt nhân" có quy mô lớn nhất trong hệ thống của ông Huy Nhật.
Giống như nhiều startup trong lĩnh vực F&B - ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống, Món Huế và những thương hiệu khác của Huy Việt Nam khởi đầu với số lượng nhà hàng khiêm tốn, chủ yếu là dồn lực cho một số vị trí đắc địa nhằm xây dựng hình ảnh và tạo dựng tập khách hàng thân thiết.
Bắt đầu huy động vốn từ đầu năm 2013 với 3 triệu USD trong vòng gọi vốn đầu tiên. Bước ngoặt lớn nhất đến với công ty này hai năm sau đó khi hoàn tất vòng gọi vốn vòng series C với số tiền 15 triệu USD (hơn 300 tỷ đồng) từ Templeton Strategic Emerging Markets Fund IV do nhà đầu tư huyền thoại Mark Mobius quản lý.
Với tổng số tiền huy động được lên tới 65 triệu USD trong ba lần gọi vốn, Huy Việt Nam nhanh chóng trở thành một "thế lực" mới trên thị trường ẩm thực khi tăng quy mô ba thương hiệu chính là Phở Ông Hùng, Món Huế và Cơm Express lên gấp 7 lần, từ 14 cửa hàng năm 2014 lên 110 cửa hàng vào cuối năm 2015. Nói với VnExpress khi đó, Mark Mobius cho biết, ẩm thực là một trong những lĩnh vực hấp dẫn mà quỹ đầu tư của ông luôn quan tâm. Đồng thời, tỷ phú này khẳng định "sẽ rót thêm vốn cho Huy Việt Nam bất cứ thời điểm nào nếu họ cần".
Một năm sau quá trình mở rộng, Huy Việt Nam tiếp tục gây xôn xao trên thị trường khi FinanceAsia tiết lộ, công ty này đã có kế hoạch nộp hồ sơ đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong. Ngoài mục đích đưa cổ phiếu ra thị trường quốc tế, FinanceAsi cũng cho biết Huy Việt Nam muốn huy động thêm 100 triệu USD để mở rộng lĩnh vực kinh doanh.
Khác các mô hình kinh doanh chuỗi nhà hàng với pháp nhân là công ty Việt Nam, Huy Việt Nam của ông Huy Nhật ngay từ đầu đã có tham vọng tiến ra thị trường nước ngoài khi thành lập các công ty mẹ tại Hong Kong và đảo Cayman - "thiên đường thuế" nằm ở phía Tây vùng biển Caribe. Trong đó, Huy Vietnam được thành lập tại Hong Kong năm 2012 là công ty mẹ của Công ty Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam - đơn vị đang bị tố nợ tiền các nhà cung cấp hàng chục tỷ đồng, còn Huy Vietnam Group thành lập tại Cayman là cổ đông chi phối chuỗi nhà hàng Món Huế.
Theo đại diện Huy Việt Nam khi đó, việc thành lập các công ty ở nước ngoài là do sàn chứng khoán Hong Kong chưa công nhận Việt Nam là thị trường đạt chuẩn cho việc đăng ký hoạt động của các công ty muốn niêm yết tại đây. "Việc đăng ký tại đảo Cayman sẽ giúp công ty dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường chứng khoán hàng đầu châu Á này", ông Huy Nhật cho biết.
Tuy nhiên, tham vọng tăng trưởng quá nhanh của ông chủ chuỗi nhà hàng Món Huế cũng đi theo không ít biến động.
Năm 2014, Huy Việt Nam bị chủ chuỗi nhà hàng Phở Hùng tại TP HCM tố ăn cắp thương hiệu và bộ nhận diện. Người hợp tác với Huy Việt Nam xây dựng lên chuỗi Phở Ông Hùng và người sáng lập chuỗi Phở Hùng từng có quan hệ làm ăn khiến vụ kiện này kéo dài cho tới nay vẫn chưa kết thúc.
Trong khi đó, sức hút của mô hình kinh doanh ẩm thực theo đặc trưng vùng miền, được ông Huy Nhật đưa về hơn thập kỷ trước, đang gặp nhiều thách thức. Ví dụ như Món Huế, những mô hình tương tự với chất lượng và cách bài trí bắt mắt hơn nhanh chóng giành lấy miếng bánh thị phần từ chuỗi nhà hàng này. Mặc dù công ty đã có những chính sách thay đổi, như hình thành những khu phức hợp ăn uống hội tụ các thương hiệu, song mức độ hiệu quả cũng không cao như trước.
Mở rộng với quy mô lớn, đầu tư cao, tham vọng xây dựng cả chuỗi cung ứng khép kín, song nhu cầu từ thị trường ở bên kia sườn dốc, khiến nhiều chuyên gia đã dự báo trước về những khó khăn sẽ đến với chuỗi nhà hàng này.
Ngay trước nghi vấn "trốn nợ" đối tác, nhà cung cấp, đầu tháng 10/2019, Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam đã thay đổi người đại diện theo pháp luật từ ông Huy Nhật sang ông Nguyễn Quỳnh Anh. Trước đó, tháng 4/2019, Huy Việt Nam đã giảm vốn điều lệ từ 1.200 tỷ đồng xuống 600 tỷ đồng, trong khi vốn của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế được tăng từ 22 tỷ lên hơn 657 tỷ đồng (tương đương gần 29 triệu USD).
Minh Sơn