Kết quả hoạt động bán niên của các ngân hàng cho thấy đà tăng nhanh về tín dụng. VIB tăng trưởng cho vay trong nửa đầu năm hơn 19%, TPBank tăng 15%, VPBank, SHB hay HDBank cũng tăng tín dụng trên 10%. Tuy nhiên, dự báo của các công ty chứng khoán cho biết tín dụng cả năm có thể vẫn thấp hơn mục tiêu của cơ quan điều hành.
Trong báo cáo triển vọng 6 tháng cuối năm, nhóm phân tích Công ty chứng khoán BIDV (BSC) dự báo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống có thể chỉ đạt 12-13%. Trong khi đó, báo cáo phân tích mới đây của Công ty chứng khoán MB (MBS) dự phóng tín dụng tăng dưới 12,5%, so với mức hơn 13% năm 2018 và kế hoạch tăng 14% được Ngân hàng Nhà nước định hướng từ đầu năm.
Theo BSC, nguyên nhân mức tăng thấp chủ yếu do nhu cầu tín dụng giảm ở nhiều ngành nghề kinh doanh đang gặp khó khăn (như bất động sản, thép,...) và dự báo nhu cầu tín dụng mảng khách hàng cá nhân có thể bị ảnh hưởng do nền kinh tế đang giảm tốc.
Tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm toàn hệ thống ở ngưỡng 7,33%, cũng thấp hơn mức tăng 7,86% cùng kỳ 2018.
Còn theo đánh giá của MBS, lãi suất hiện nay có xu hướng neo ở mức cao, cùng các chính sách quản lý tín dụng thận trọng hơn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có thể tác động đến tăng trưởng toàn hệ thống. Trung bình lãi suất cho vay ngắn hạn hiện nay 6-9%, còn trung và dài hạn ở mức 9-11%.
Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng nhận định "giảm tốc tín dụng là cần thiết". Hai lý do chính được MBS nhắc đến là tỷ lệ tín dụng trên quy mô nền kinh tế đã lên mức cao tương đương năm 2011, xấp xỉ 130% GDP. Bên cạnh đó, chênh lệch tín dụng trong năm 2018 ở mức an toàn nhưng việc giảm tốc là cần thiết để kiểm soát chất lượng tài sản.
Tín dụng có xu hướng chững lại nhưng theo dự báo của các thành viên thị trường, mặt bằng lãi suất có thể vẫn duy trì như hiện nay hoặc nhích nhẹ vào cuối năm.
Theo dự báo của BSC, dù cung tiền tăng thấp hơn tín dụng trong nửa đầu năm, mặt bằng lãi suất có thể vẫn duy trì ở mức hiện nay. MBS cũng chung nhận định rằng mặt bằng lãi suất hiện nay cao hơn đầu năm 2018 nhưng khó có khả năng biến động mạnh.
Theo ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), mặt bằng chung lãi suất từ nay đến cuối năm có thể nhích lên theo yếu tố "mùa vụ" do nhu cầu tín dụng cuối năm thường cao hơn, nhưng xét trong dài hạn, lãi suất vẫn giữ ổn định, thậm chí có thể theo chiều hướng giảm.
VPBank, cùng một số nhà băng cổ phần và quốc doanh mới đây đã thực hiện các chương trình giảm lãi suất cho một số lĩnh vực ưu tiên. Đại diện VPBank cho biết, động thái này không hoàn toàn là theo một làn sóng chung mà thực tế, các chương trình này đã được tính toán tới bài toán kinh doanh chung.
"Ngân hàng cổ phần giảm lãi suất phải tính toán nhiều, căn cứ chi phí đầu vào đầu ra, nhiều yếu tố. Riêng với VPBank, xuất nhập khẩu đưa lại nhiều nguồn lợi khác cho ngân hàng, không chỉ riêng vấn đề lãi suất. Việc tham gia các chương trình ưu đãi tín dụng vừa theo chủ trương chung vừa giúp gia tăng tập khách hàng của VPBank", ông Hưng chia sẻ.
Triển vọng trong nửa cuối năm, BSC và MBS cùng chung dự báo lợi nhuận các nhà băng có thể không tăng cao như cùng kỳ, trong đó tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) có thể giảm.
"Chúng tôi cho rằng NIM khó cải thiện trong năm 2019 do áp lực tăng lãi suất, cạnh tranh cho vay bán lẻ, áp lực huy động vốn từ nợ thứ cấp và dự thảo thay Thông tư 36 sau giai đoạn NIM cải thiện mạnh từ năm 2015", báo cáo MBS cho biết.
Còn theo dự báo của BSC, lợi nhuận trước thuế toàn ngành năm 2019 sẽ tăng khoảng 12,8% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức kỳ vọng 14,7% so với dự báo trước đó. Trong đó, NIM toàn ngành có thể giảm nhẹ và các ngân hàng cũng đẩy mạnh xử lý nợ xấu tồn đọng nhằm đáp ứng nhu cầu Basel II.
Minh Sơn