Sáng 18/7, hơn 300 tài xế Go-Viet đã tắt ứng dụng, đổ đến ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Trương Định (quận 3, TP HCM), nơi đặt văn phòng làm việc của công ty, để phản đối chính sách trả thưởng mới. Cùng lúc đó, hàng trăm tài xế cũng vây kín văn phòng làm việc với đối tác tài xế của Go-Viet tại quận 4.
Theo các tài xế, nguyên nhân đình công là do Go-Viet thay đổi cách tính thưởng, khiến họ phải chạy nhiều cuốc xe hơn nhưng lại được nhận tiền thưởng ít hơn. "Lúc trước chỉ cần 10 điểm mỗi ngày là có thưởng, còn giờ phải đạt 40 điểm để có mức thưởng thấp nhất. Chính sách thì lại thay đổi đột ngột", anh Vinh, tài xế tham gia phản đối cho biết.
Trước ngày 18/7, tài xế Go-Viet tại TP HCM được áp dụng chính sách nhận thưởng 30.000 đồng, 90.000 đồng và 180.000 đồng nếu đạt số điểm tương ứng là 10, 18 và 28. Mỗi cuốc xe được tính 1 điểm, cuốc giờ cao điểm (6h-9h và 17h-20h) là 2 điểm. Điều này có nghĩa, nếu tài xế chạy 28 cuốc không phải giờ cao điểm thì ngoài thu nhập chính sẽ nhận thêm 180.000 đồng.
Tuy nhiên, kể từ 0h ngày 18/7, 3 mức thưởng được thay đổi thành 40.000 đồng, 120.000 đồng và 240.000 đồng nhưng số điểm tương ứng cũng được nâng lên là 40, 64 và 80. Mỗi cuốc xe được tính 2 điểm, cuốc giờ cao điểm là 4 điểm. Với cách tính này, tài xế cần chạy 40 cuốc giờ thông thường để nhận 240.000 đồng thưởng.
"Điểm mỗi cuốc xe được tính tăng gấp đôi nhưng số điểm yêu cầu để nhận thưởng cũng gấp mấy lần mức cũ. Tính ra, tiền thưởng nói chung là giảm. Hơn nữa, để chạy 80 điểm thì cả ngày chưa chắc đủ", anh Tâm, một tài xế khác phân tích.
Trong sáng 18/7, Phụ trách đối tác tài xế tại TP HCM của Go-Viet đã có cuộc gặp tại quận 7 với hơn 100 tài xế, là các trưởng nhóm tài xế, đại diện các nhóm phản đối. Cuộc gặp xoay quanh nội dung giải thích chính sách mới, ghi nhận các phản hồi và hứa hẹn sẽ cân nhắc tiếp thu, điều chỉnh. "Một số đại diện thì đã bình tĩnh, còn số khác vẫn không đồng thuận", phía Go-Viet xác nhận, đồng thời cho biết chính sách mới tại TP HCM có 2 thay đổi cơ bản. Thứ nhất, áp dụng cơ chế nhân giá vào giờ cao điểm để tăng cơ hội thu nhập cho tài xế. Thứ hai, thay đổi cách tính thưởng.
"Chúng tôi đã có khảo sát ý kiến qua ứng dụng và tài xế muốn có nhân giá. Chính sách mới là theo nguyện vọng này, giúp thu nhập thuần của tài xế tăng lên và trải nghiệm khách hàng tốt hơn vì giờ cao điểm sẽ dễ đón được xe hơn. Thu nhập tài xế gồm thu nhập thuần và tiền thưởng. Mức thưởng cũ cao nhất là 180.000 đồng còn mức mới là 240.000 đồng, tức tăng hơn 33%, thì đây là cơ hội tăng thu nhập", đại diện hãng gọi xe giải thích và nói chính sách mới được triển khai từ kết quả phân tích của các thuật toán bằng trí tuệ nhân tạo, để đảm cảo cân bằng lợi ích của tài xế, công ty, đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của quỹ ngân sách dùng để trả thưởng.
"Có nhân giá giờ cao điểm cũng chẳng thấm vào đâu so với cách tính thưởng mới mà nhiều khả năng là tiền thưởng kiếm được sẽ ít hơn trước, vì đòi hỏi phải chạy nhiều thế này. Muốn tăng điểm trả thưởng cũng được nhưng đừng tăng một lúc nhiều như vậy", anh Nguyên, một tài xế tắt ứng dụng cho biết.
Đến 16h chiều, hàng trăm tài xế vẫn đỗ xe trên vỉa hè xung quanh tòa nhà văn phòng Go-Viet ở quận 3. Lực lượng công an, cảnh sát giao thông cũng đã có mặt từ trưa để đảm bảo lưu thông qua giao lộ này.
Trả lời VnExpress, đại diện Go-Viet nói sẽ không có thay đổi gì ngay về chính sách trước sức ép đình công, nhưng hứa hẹn tiếp tục lắng nghe các ý kiến để cân nhắc. Công ty cũng cho rằng, việc thông báo thay đổi chính sách một ngày trước thời điểm áp dụng là thông lệ từ trước đến nay, không phải là trường hợp cá biệt.
Go-Viet hiện có hơn 100.000 đối tác tài xế, hoạt động tại Hà Nội và TP HCM. Trước khi áp dụng chính sách thưởng mới tại TP HCM, công ty cũng đã áp dụng chính sách mới với khung tính toán gần như tương tự tại Hà Nội từ giữa tháng 5. Tuy nhiên, thời điểm đó, tài xế Go-Viet tại Hà Nội không đình công.
Viễn Thông