Chuyến thăm của nhà báo, học giả người Mỹ diễn ra từ ngày 6 đến 11/5 và là chuyến thăm thứ hai của ông tới Việt Nam sau lần đầu tiên năm 1995.
Thomas Friedman sẽ có buổi gặp gỡ một số lãnh đạo doanh nghiệp, giới trí thức, Hội nhà báo Việt Nam... và giao lưu với sinh việc các trường đại học tại Hà Nội, TP HCM liên quan đến những chủ đề nóng như những phát triển mới về công nghệ xanh, năng lượng xanh; bài học thành công và thất bại của các nước trong 20 năm qua; những cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong kỷ nguyên mới, cũng như mối quan hệ Trung - Mỹ.
Chia sẻ với báo giới, ông cho rằng chuyến đi lần này sẽ giúp ích cho những câu chuyện sau này về Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, nơi đang ngày càng có tầm quan trọng trên bản đồ địa chính trị thế giới.
Đánh giá về tình hình thế giới ngày hôm nay, Friedman thẳng thắn bày tỏ: “Nếu nhìn lại thế giới bây giờ, tôi thấy mình đã sai rất nhiều khi viết Thế giới phẳng bởi thế giới giờ đây đã phẳng rất nhiều”.
Theo ông, với sự phát triển mạnh mẽ của Internet và những thành tựu mới như facebook, twiter..., nhiều siêu liên kết đã hình thành, biến thế giới trở nên phẳng rất nhiều so với trước đây. Giữa các quốc gia cũng vậy, khi nơi này có bất kỳ sự thay đổi nào cũng gây ảnh hưởng tới các khu vực khác.
Do đó, dù Việt Nam có lợi thế về lao động giá rẻ, nhưng trong thế giới "siêu phẳng" và ngày càng có nhiều lựa chọn như hiện nay, sự dịch chuyển là hoàn toàn có thể xảy ra. Friedman khuyến nghị, Việt Nam cần cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, sáng tạo hơn, đây sẽ là chìa khóa cho sự phát triển. "Đã đến lúc người lao động không thể làm việc làng nhàng, muốn phát triển thì phải có sáng tạo bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu của bản thân", ông nói.
Thomas L. Friedman sinh năm 1953, là một nhà báo, nhà bình luận nổi tiếng người Mỹ về quan hệ chính trị giữa các nước, bao gồm các vấn đề mậu dịch quốc tế, Trung Đông, toàn cầu hóa và các vấn đề môi trường. Ông phụ trách một chuyên mục đối ngoại của The New York Times và đã 3 lần đoạt giải Pulitzer, 2 lần cho mảng Phóng sự quốc tế và một lần cho mảng Bình luận.
Ông cũng là tác giả của hàng loạt cuốn sách bán chạy nhất, nổi bật là cuốn 'Thế giới phẳng' với hơn 2 triện bản được bán ra, ngoài ra còn có 'Từ Beirut tới Jerusalem'; 'Chiếc Lexus và cây oliu'; 'Nóng, Phẳng và Đông đúc'...
Huyền Thư