Thông tin được bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam chia sẻ ngày 3/1. "Chúng tôi sẽ kỷ niệm cửa hàng thứ 100 trong năm nay nhưng không có nghĩa chỉ mở đến 100", bà Patricia Marques cho biết.
Starbucks vào Việt Nam từ tháng 2/2013 với cửa hàng đầu tiên ở ngã sáu Phù Đổng (quận 1, TP HCM). Hiện họ có 87 cửa hàng tại 7 tỉnh thành, trên 800 nhân sự và hơn 200 "coffee master" (chuyên gia cà phê theo tiêu chuẩn đào tạo nội bộ).
So với các chuỗi đồ uống khác, số cửa hàng của Starbucks tương đối khiêm tốn, đứng sau các chuỗi nội địa như Highlands, The Coffee House, Phúc Long và Trung Nguyên Legend. Tuy nhiên, đây là tên tuổi nước ngoài hiếm hoi, cùng với Café Amazon(Thái Lan) còn trụ được và có dấu ấn trong cuộc chiến giữa các chuỗi cà phê, với thị phần áp đảo của doanh nghiệp nội địa.
Những cửa hàng mới đang được chuỗi này định hướng diện tích vừa phải có thể cho khách hàng ngồi uống tại chỗ hoặc phục vụ chỉ mua đi. Họ nhắm mục tiêu tìm kiếm thêm các mặt bằng tại các khu đô thị mới, cao ốc hay các cộng đồng địa phương. "Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục mở thêm nhiều cửa hàng và sẽ tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại những nơi mới ngoài những thành phố đã đặt chân đến", bà nói.
Cho đến nay, thị trường lớn nhất của Starbucks tại Việt Nam là TP HCM với 50 cửa hàng, trong khi thị trường mới nhất là Hội An (Quảng Nam). Còn Bình Dương, Quy Nhơn là những thị trường đầy tiềm năng.
Theo bà Patricia Marques, Bình Dương ngày trước được biết đến là khu công nghiệp mà người lao động sáng đi chiều về từ TP HCM. Tuy nhiên, tỉnh này giờ có nhiều khu dân cư tại chỗ cho giới chuyên gia.
"Chúng tôi rất ngạc nhiên về tiềm năng ở Bình Dương và sẽ tiếp tục phát triển tại đây. Hội An thì có khách du lịch nhưng phải còn tiếp tục khám phá. Hay Qui Nhơn du lịch trước đây chưa phát triển, nay đã sôi động với nhiều khu resort nên đó là tiềm năng kinh doanh cho chúng tôi", bà Patricia phân tích.
Ngoài số cửa hàng, bà Patricia nói mục tiêu lâu dài của chuỗi này là "thực sự trở thành cà phê hàng ngày của khách hàng". Vậy Starbucks đang có những thuận lợi và thách thức nào?
Về thuận lợi, báo cáo ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) khu vực châu Á của Kantar World Panel cho biết ngành đồ uống Việt Nam sau hai năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh đã có sự phục hồi. Quý III/2022 ghi nhận tốc độ tăng trưởng trung bình là 5,2%, chỉ kém tốc độ tăng trưởng trung bình của toàn châu Á 0,4%.
Bà Patricia Marques cũng xác nhận trong giai đoạn bình thường mới, kết quả tài chính của chuỗi "đã có sự tăng trưởng nhất định". Điều kiện kinh tế vĩ mô 2023 vẫn khó đoán, nhưng theo Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam, họ đã học được cách vận động trong khó khăn qua hai năm dịch để tiếp tục phát triển.
Hiện Starbucks đã dần thích ứng với các thói quen tiêu dùng bản địa. Nửa cuối 2021, họ đã chấp nhận thanh toán bằng hai ví điện tử. "Lúc trước, thị trường này dùng tiền mặt chủ yếu nhưng qua đại dịch việc không dùng tiền mặt trở thành điều phổ biến một cách rất tự nhiên", bà Patricia nhận xét.
Allegra World Coffee Portal - nền tảng thông tin chuyên ngành về ngành cà phê của Anh - dự báo các chuỗi cà phê Việt Nam sẽ có tổng cộng khoảng 5.200 cửa hàng vào 2025. Nhìn chung, thị trường này về dài hạn vẫn được cho là có tiềm năng, nhưng cũng không dễ chinh phục.
Đó là thách thức chung không riêng gì với Starbucks. Thực tế, với nhiều lý do khác nhau, thị trường chuỗi đồ uống đã chứng kiến vài biến động thời gian gần đây. Tháng trước, PhinDeli đóng bớt một số cửa hàng ở vị trí đẹp trong khi KIDO thoái vốn khỏi TTV - đơn vị sở hữu chuỗi Chuk Chuk. Ngược lại, Highlands, Phúc Long vẫn đẩy nhanh mở thêm chi nhánh.
The Coffee House thì dự định khôi phục thương hiệu cửa hàng cao cấp Signature trong năm nay. Hay như Passio Coffee, chuỗi 15 tuổi gắn với cà phê mang đi, đang ngày càng mở rộng quy mô cửa hàng theo hướng bán tại chỗ nhiều hơn. Đó là chưa kể thị trường đang xuất hiện thêm những thương hiệu mới, gây tiếng tăm trong giới trẻ như Katinat, Phê La, Cheese Coffee. Bà Patricia cũng xác nhận thị trường đang "ngày càng trở nên cạnh tranh".
Ngoài ra, quy trình phát triển nhân sự của chuỗi cà phê đến từ Mỹ nhiều yêu cầu khiến họ không dễ dàng có được nhiều cửa hàng trưởng trong thời gian ngắn. Tại chuỗi này, một nhân viên pha chế cần khoảng 3-4 tuần đào tạo trong khi cửa hàng trưởng cần gấp nhiều lần thời gian và phải thi đậu nhiều vòng khác nhau.
Tìm kiếm mặt bằng cũng là thử thách nếu muốn có vị trí đẹp. Bà Patricia ví dụ ở Thái Lan, các chủ bất động sản khi xây dựng trung tâm thương mại thường đã hoạch định từ trước là cần thương hiệu nào và chủ động hợp tác, ưu ái khách thuê. "Ở Việt Nam chưa có mối quan hệ giữa chủ nhà và người thuê như các thị trường khác nên muốn có vị trí đẹp phải trả giá rất cao", bà nói.
Theo báo cáo của Starbucks, doanh thu thuần hợp nhất của chuỗi này trên toàn cầu trong năm tài chính 2022 (kết thúc vào 2/10/2022) tăng 11% lên mức kỷ lục 32,3 tỷ USD, đã bao gồm 2% tác động bất lợi từ chuyển đổi ngoại tệ. Trong năm tài chính 2023, tập đoàn đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ 10% đến 12%, đã tính tác động 3% từ chuyển đổi ngoại tệ.
Viễn Thông