Như vậy, hai bên sẽ chấm dứt trước hạn thoả thuận hợp tác chiến lược đã ký ngày 27/11/2007.
Ngân hàng của Nhật Bản trở thành cổ đông lớn tại Eximbank từ thời gian trên khi nắm giữ 15% cổ phần. Trong giai đoạn đầu hợp tác, SMBC hỗ trợ Eximbank lập kế hoạch phát triển ngân hàng bán lẻ trung và dài hạn, biệt phái chuyên gia sang Việt Nam để triển khai các dự án mới, phát triển hoạt động kinh doanh thẻ, cho vay. Ngân hàng Nhật Bản cũng tư vấn, lập kế hoạch cho hoạt động quản trị doanh nghiệp và đào tạo nhân sự.
Chủ tịch Eximbank Yasuhiro Saitoh được giao thực hiện các thủ tục chấm dứt thoả thuận liên minh giữa hai bên. Ông Yasuhiro Saitoh trước đây là nhân sự của SMBC, được đề cử vào Hội đồng quản trị Eximbank từ 2016, nhưng ba năm sau SMBC cho biết ông "không còn là một viên chức, nhân viên, người được uỷ nhiệm hay đại diện của SMBC".
SMBC rút khỏi Eximbank trong bối cảnh mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông của ngân hàng vẫn chưa đi đến hồi kết. Liên tục từ năm 2019 đến nay, điệp khúc "tổ chức" rồi "bất thành" được lặp lại với các phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên.
Eximbank dự kiến họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 lần thứ hai vào tuần sau để bầu Hội đồng quản trị và ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025. Phiên họp này cũng sẽ trình bày lại báo cáo hoạt động từ năm 2018-2020 do chưa được thông qua trước đó.
Lục đục nội bộ khiến kết quả kinh doanh của Eximbank sa sút. Trong khi những ngân hàng khác đua nhau báo lãi kỷ lục thì năm ngoái Eximbank chỉ lãi trước thuế 1.205 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Kết quả này không hoàn thành mục tiêu lãi trước thuế công bố hồi đầu năm là 2.150 tỷ đồng và điều chỉnh còn 1.300 tỷ đồng trong ngày cuối năm.
Eximbank năm nay lên kế hoạch tham vọng với mức lãi trước thuế 2.500 tỷ đồng, hơn gấp đôi năm trước. Kế hoạch tổng tài sản và dư nợ tín dụng lần lượt tăng 7,8% và 6,5%, lên 166.000 tỷ đồng và 138.600 tỷ đồng.
Phương Đông