Cách đây một năm, khi cuộc chiến thương mại Mỹ Trung mới được khơi mào, nhiều chuyên gia cho rằng, các tập đoàn toàn cầu sẽ giảm thiểu rủi ro bằng cách đa dạng hóa hoạt động đầu tư ở Trung Quốc và sẽ chuyển dịch hoạt động sản xuất đi các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Trung Quốc đứng đầu trong tổng FDI đầu tư vào Việt Nam. Số liệu thống kê 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vượt Hàn Quốc, Singapore về vốn đầu tư cấp mới với 1,3 tỷ USD và 187 dự án, chiếm một phần tư tổng vốn đầu tư mới.
Những ông lớn như Warren Buffett, Adidas, Nike, Apple Lenovo cũng tuyên bố dịch chuyển sản xuất sang thị trường Việt Nam, dự kiến giảm đáng kể sản lượng đang sản xuất tại Trung Quốc. Thậm chí, Brooks Running thông báo, từ đầu năm 2019, hãng này sẽ chuyển dịch 8.000 việc làm sang Việt Nam, tương đương 65% sản lượng và Trung Quốc chỉ còn chiếm khoảng 10%.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định đây cũng chỉ là việc hưởng lợi ngắn hạn. Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng chuyên dịch từ Trung Quốc sang đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe và nếu không chuẩn bị sẵn sàng sẽ nhanh chóng bị đẩy khỏi cuộc chơi.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch tập đoàn Sunhouse đánh giá, nếu các cơ sở sản xuất tại Việt Nam nghiêm túc đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng, cuộc chiến Mỹ Trung sẽ là cơ hội lớn giúp Việt Nam trở thành đối tác bền vững, tin cậy.
Theo Shark Phú, Sunhouse đang sở hữu 6 cụm nhà máy sản xuất đồ gia dụng với quy mô hơn 60.000m2. Mỗi năm, nhà máy sản xuất gần 34 triệu chi tiết sản phẩm, đội ngũ công nhân lành nghề lên tới hơn 1.000 người.
Việc đầu tư thêm nhà máy vi mạch là một trong những bước đi táo bạo của một tập đoàn gia dụng như Sunhouse nhưng giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất các sản phẩm điện gia dụng, điện tử điện lạnh. Thông qua đó, Sunhouse sẽ nắm bắt được công nghệ gốc để kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng như các nhà máy sản xuất phụ trợ.
Từ cuối năm 2018, trong xu thế chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam, nhà máy Sunhouse bắt tay với một số doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm sang thị trường Mỹ. Sản phẩm của tập đoàn nhận sự tin tưởng và đánh giá cao của nhiều đối tác trong hoạt động sản xuất, đảm bảo các tiêu chí khắt khe của thị trường Mỹ.
"Trong quá khứ, Sunhouse phát triển nhanh và tập trung phát triển số lượng. Tuy nhiên cuối năm 2018 đầu 2019, tập đoàn chuyển dịch mạnh mẽ từ kinh doanh số lượng sang kinh doanh chất lượng. Chúng tôi xác định không hưởng lợi ngắn hạn thời cơ từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mà muốn một cuộc chơi dài hạn", Shark Phú nói.
Để kiểm soát về mặt chất lượng, ngoài đầu tư về công nghệ dây chuyền sản xuất, tập đoàn chi mạnh tay mời các chuyên gia Hàn Quốc về làm việc tại nhà máy kiểm soát chất lượng dây chuyền sản xuất sản phẩm. Đó là ông Kim Young Jong - nguyên Phó tổng giám đốc hãng nồi cơm điện Cuckoo lớn nhất Hàn Quốc hay ông Yoo Myung Joon - chuyên gia tư vấn cao cấp của Samsung.
Theo ông Phú những bước đi quan trọng và táo bạo này sẽ là bước đà cho những doanh nghiệp sản xuất như Sunhouse nhận được cơ hội lớn từ thị trường, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững, nâng cao vị thế của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tâm Anh