Thông tin trên được ông Lê Vũ Tuấn Anh, Phó chánh thanh tra Bộ cho biết chiều 27/3 trong buổi họp báo quý I của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, năm 2019, cơ quan này sẽ kiểm tra việc quản lý sử dụng đất sắp xếp lại cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước do các đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp sử dụng là Tập đoàn dệt may Việt Nam, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn.
Ngoài thanh tra việc sử dụng đất của ba doanh nghiệp nhà nước, trong năm 2019 Bộ Tài nguyên sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, môi trường và tài nguyên nước với các dự án có quy mô sử dụng đất lớn, các tổ chức sử dụng đất có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường tại 04 tỉnh, gồm: Bắc Ninh, Cà Mau, Gia Lai và Kon Tum.
Ở hai tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án FDI và các dự án khác sử dụng nhiều diện tích đất, mặt nước ven biển nhưng chậm triển khai, hoạt động kém hiệu quả
Bên cạnh đó, cơ quan này sẽ thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn 5 tỉnh là Hà Nam, Nghệ An, Bình Dương, Tây Ninh, Hải Dương.
Việc thanh tra sẽ diễn ra đột xuất tập trung từ quý II đến quý IV. "Trong đó chúng tôi sẽ tập trung thanh kiểm tra vào quý III và báo cáo kết quả cũng như hướng xử lý lên lãnh đạo bộ trước khi kết thúc năm", vị này nói thêm.
Theo ông Tuấn Anh, năm 2018, Bộ này đã dành 36% kinh phí và nhân lực cho hoạt động thanh tra nhưng năm 2019, tỷ lệ này sẽ lên 50-60%. "Năm nay Bộ trưởng muốn đẩy mạnh việc thanh tra, đặc biệt là thanh tra đột xuất hơn nữa", ông Tuấn Anh nói.
Trong năm 2018, Bộ Tài nguyên đã thanh tra ở 72 doanh nghiệp, trong đó phát hiện 16 doanh nghiệp sai phạm, đình chỉ 3 doanh nghiệp, 13 doanh nghiệp còn lại nhận quyết định xử phạt hành chính. |