Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) do Caixin và Markit vừa công bố cho thấy PMI tháng 6 của Trung Quốc chỉ là 49,4. Đây là con số tệ nhất từ tháng 1, dưới dự báo của các nhà kinh tế học là 50. Đây cũng là lần đầu tiên trong 4 tháng chỉ số được theo dõi sát sao này xuống dưới 50, cho thấy hoạt động sản xuất đang giảm.
"Kinh tế Trung Quốc chịu nhiều sức ép hơn trong tháng 6", Zhengsheng Zhong - Giám đốc Phân tích Vĩ mô tại CEBM Group nhận xét, "Điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách cần tung ra biện pháp đối phó".
Cả sản lượng tại nhà máy và số đơn hàng mới tháng 6 đều giảm, lần đầu tiên kể từ tháng 1. Một số công ty cho biết đã phải ngừng dây chuyền sản xuất vì căng thẳng thương mại với Mỹ.
Niềm tin kinh doanh tại đây hiện cũng ở đáy 7 năm. Các hãng sản xuất đã sa thải lao động tháng thứ 3 liên tiếp. Số đơn hàng mới trong nước thậm chí giảm nhanh hơn đơn hàng xuất khẩu. Các con số này cho thấy nền kinh tế lớn nhì thế giới vẫn đang mất đà, bất chấp hàng loạt biện pháp hỗ trợ được tung ra trong năm qua.
Trong cuộc gặp cuối tuần trước bên lề G20, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý đình chiến, khôi phục đàm phán thương mại. Việc này đã giúp nhà đầu tư thêm lạc quan. Dù vậy, một số nhà phân tích cho biết việc không có thỏa thuận thực chất sau cuộc họp cho thấy các thách thức với kinh tế Trung Quốc có thể còn tiếp diễn.
Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kéo dài một năm qua, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây chao đảo các thị trường tài chính và khiến nhiều doanh nghiệp ngần ngại đầu tư. Căng thẳng tăng nhiệt hồi tháng 5, khiến đàm phán đình trệ sau khi Washington cáo buộc Trung Quốc muốn thay đổi cam kết cải tổ. Mỹ tăng thuế nhập khẩu với hàng Trung Quốc, khiến Trung Quốc đáp trả tương tự.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại có thể còn kéo dài và tốn kém, nhiều nhà kinh tế học dự báo Bắc Kinh cần tung nhiều biện pháp kích thích nữa nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2019 quanh 6-6,5%. Các biện pháp được kỳ vọng là giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng chi tiêu tài khóa và hạ lãi suất tham chiếu.
Hà Thu (theo Reuters/CNBC)