Tốc độ này chậm hơn dự báo của giới phân tích, và cũng là thấp nhất kể từ tháng 2/2002. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy nhu cầu tại nền kinh tế lớn nhì thế giới đi xuống, trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang.
Đầu tư vào tài sản cố định trong 7 tháng đầu năm tăng 5,7%, thấp hơn dự báo. Doanh số bán lẻ tháng 7 cũng tăng chậm lại, chỉ còn 7,6% so với năm ngoái. "Số liệu tháng 7 rất đáng lo ngại", Katrina Ell - nhà kinh tế học tại Moody’s Analytics nhận xét, "Đây là hậu quả của sự yếu đi cả về cung và cầu".
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua thông báo hoãn tăng thuế với một số hàng hóa Trung Quốc từ 1/9 sang 15/12 giúp thị trường lạc quan phần nào. Dù vậy, động thái này không khiến các hãng xuất khẩu bớt lo ngại về cuộc chiến thương mại đã kéo dài hơn một năm qua. Đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy căng thẳng sẽ sớm được giải quyết.
"Nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức và đang giảm tốc", Gene Ma - kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Viện Tài chính Quốc tế cho biết, "Trung Quốc cần nhiều chính sách nới lỏng tiền tệ và tín dụng hơn. Chúng tôi cho rằng họ sẽ giảm lãi suất trong mùa thu này".
Đến nay, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn dựa vào giảm thuế để thúc đẩy tiêu dùng và kích thích tiền tệ để thúc đẩy ngân hàng cho vay doanh nghiệp. Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn chưa đủ để ngăn đà giảm tốc của nền kinh tế. Các nhà kinh tế học đã kêu gọi Trung Quốc mạnh tay hơn, dù khối nợ trong nước đang tăng và rủi ro bất ổn tài chính vẫn còn.
Hà Thu (theo Reuters)