Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) lần đầu báo lỗ sau 13 năm khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý III âm 1.786 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp doanh thu của đại gia ngành thép đi lùi, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái và gần 8% so với quý trước đó.
Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành là Công ty cổ phần Thép Nam Kim cũng báo lỗ hơn 400 tỷ đồng với doanh thu giảm gần 1,7 lần so với cùng kỳ. Đây là khoản lợi nhuận âm kỷ lục của doanh nghiệp này kể từ khi công bố thông tin vào quý I/2010.
Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) lỗ khoảng 887 tỷ đồng vào quý cuối niên độ 2021-2022, trong khi cùng kỳ lãi hơn 940 tỷ. Lần đầu Hoa Sen báo lợi nhuận âm trở lại kể từ quý IV của niên độ 2017-2018.
Nhóm các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) kỳ này cũng đồng loạt báo lỗ kỷ lục hoặc chỉ lãi nhỏ giọt. Lợi nhuận sau thuế Thép Thủ Đức (TDS) âm 22 tỷ đồng, tăng thêm gần 37% so với cùng kỳ. Đây là mức lỗ lớn nhất kể từ khi doanh nghiệp này công bố thông tin liên tục vào quý II/2013. Mức lỗ tương tự cũng xuất hiện tại Thép Vicasa (VCA), trong khi cùng kỳ công ty vẫn lãi khoảng 2 tỷ đồng. Đây trở thành kỳ kinh doanh thua lỗ lớn nhất của Vicasa kể từ quý III/2020.
Các đơn vị khác như Thép Thái Nguyên (TIS), Kim khí TP HCM (HMC) chuyển từ lãi trong cùng kỳ thành lỗ lần lượt 25 tỷ đồng và 12 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận đáy của hai doanh nghiệp trong nhiều năm. Trong "họ" VnSteel, Thép Mê Lin (MEL) và Thép Cao Bằng (CBI) vẫn giữ được lợi nhuận dương nhưng ở mức rất thấp, lần lượt giảm 95% và 99% so với cùng kỳ.
Không chỉ nhóm doanh nghiệp sản xuất, đơn vị phân phối và kinh doanh thép cũng có kết quả kinh doanh đi lùi. Công ty cổ phần Đầu tư thương mại SMC kỳ này lỗ gần 220 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 130 tỷ đồng. Đây là quý SMC lỗ cao nhất kể từ khi bắt đầu công bố thông tin vào quý IV/2004.
Lợi nhuận doanh nghiệp "bốc hơi" nhanh chóng nằm trong kịch bản kinh doanh bết bát của ngành thép vốn được dự đoán trước. Các công ty đều cho biết lợi nhuận giảm mạnh trong quý III do sản lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu rất ít, giá giảm nhanh và hàng tồn kho cao.
Theo lãnh đạo Vicasa, ngành thép chịu ảnh hưởng chiến sự Nga - Ukraine, chính sách "zero Covid" của Trung Quốc và tình hình lạm phát toàn cầu. Song song đó, chi phí đầu vào ở mức cao cũng gây áp lực lớn. Lãnh đạo Hòa Phát nói, riêng giá than đã cao gấp 3 lần so với thời điểm bình thường.
Bên cạnh đó, ngân hàng siết "room" tín dụng cho bất động sản cũng làm giảm nhu cầu sử dụng thép. Ngoài ra, một số đơn vị còn chịu thêm sức ép từ lãi suất vay vốn và chênh lệch tỷ giá dâng cao.
Thực tế, sau một năm thăng hoa nhờ giá bán liên tiếp lập đỉnh, lợi nhuận ngành công nghiệp này dần thoái trào khi diễn biến giá thép xấu đi. Từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 8, thép có 15 lần giảm giá liên tiếp từ quanh 19 triệu đồng một tấn xuống còn 14,5-15 triệu đồng. Tuy có tăng nhẹ vào đầu tháng 9, giá thép sau đó đồng loạt giảm 2 lần liên tiếp, về quanh 14 triệu đồng một tấn, tương đương giai đoạn cuối năm 2020.
Giá bán đi xuống trong khi tình hình tiêu thụ kém khả quan. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) thống kê trong tháng 9, sản xuất thép thành phẩm của Việt Nam đạt 2,4 triệu tấn nhưng sản lượng bán hàng thép thành phẩm các loại chỉ đạt 1,99 triệu tấn, dư khoảng 410.000 tấn. Lũy kế 9 tháng, chênh lệch giữa sản xuất và bán hàng thép vào khoảng 1,6 triệu tấn.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dùng cụm "mây mù che phủ" khi phân tích về triển vọng ngành thép nửa cuối năm nay. Đơn vị này dự đoán giá thép Trung Quốc sẽ duy trì mặt bằng thấp như hiện nay trong nửa cuối năm do nhu cầu chưa hồi phục do thị trường nhà ở chưa có dấu hiệu ấm lên khi số nhà xây mới liên tục sụt giảm. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất thép cần giải phóng lượng lớn hàng tồn kho hiện hữu. Giá nguyên, nhiên vật liệu giảm mạnh trong nửa cuối năm cũng sẽ hỗ trợ quá trình giảm giá bán.
Tại Việt Nam, tình trạng này cũng diễn ra tương tự vì chịu áp lực giảm giá theo thị trường thế giới. Nhu cầu tiêu thụ thép trong nước có mức sụt giảm mạnh trong quý II làm các doanh nghiệp sản xuất phải hạ giá bán để đẩy nhanh hàng tồn kho.
Trong khi đó, VnDirect lại có điểm nhìn lạc quan hơn khi dự báo giá thép ổn định trong những tháng cuối năm. Rủi ro giảm giá thép thấp khi hiệu suất vận hành và lượng tồn kho tại các nhà máy thép Trung Quốc đang ở mức thấp nhất một năm qua, cùng với quý IV hàng năm là cao điểm xây dựng và tiêu thụ thép tại thị trường nội địa.
Tất Đạt