Thương vụ M&A của Tập đoàn FPT với startup về phần mềm Base vừa công bố, thu hút sự quan tâm của giới công nghệ. Hợp tác này được đôi bên kỳ vọng cộng hưởng sức mạnh lẫn nhau, thúc đẩy hoàn thiện hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam, đồng thời đưa Việt Nam lên bản đồ số thế giới. Điểm chung của 2 đơn vị còn là những giấc mơ tưởng chừng "điên rồ", khai phá lĩnh vực không mấy ai dám làm, song hiện tại đã đạt nhiều thành tựu.
Những chia sẻ của lãnh đạo FPT và Base vào tối 4/5 đã tiếp thêm niềm tin cho các startup, giới trẻ dám theo đuổi ước mơ và nỗ lực thực hiện.
Khát vọng vươn ra toàn cầu của FPT
"FPT có nhiều giấc mơ, viển vông, thậm chí hơi điên cuồng", đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc FPT khi nhìn lại chặng đường phát triển hơn 30 năm. Cụ thể, những nhà sáng lập của FPT 30 năm trước đặt ra chiến lược ghi danh FPT và Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới.
Hiện tại, sau 30 năm, FPT có 48 văn phòng tại 26 quốc gia trên toàn cầu, xây dựng hạ tầng viễn thông khắp Việt Nam. FPT còn là nhà cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho hàng loạt doanh nghiệp lớn trong nước và trên thế giới với gần 80 sản phẩm và giải pháp, nền tảng, ứng dụng thực tiễn. Tập đoàn sở hữu nhiều công nghệ như AI, Cloud, Big data... với lực lượng bán hàng hàng nghìn người trên toàn cầu.
Tập đoàn cũng đang từng bước khẳng định vị thế bằng cách tham gia sâu hơn vào sân chơi quốc tế với nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập đình đám.
Thương vụ M&A nước ngoài đầu tiên là thâu tóm công ty RWE IT Slovakia năm 2014. Việc mua bán và sáp nhập nhằm mục tiêu phát triển thị trường tại châu Âu, đưa doanh thu ở nước ngoài của FPT lên tới một tỷ USD vào năm 2020. Thương vụ này mang lại cho FPT một khách hàng lớn (doanh thu của RWE là 70 tỷ USD, chi tiêu cho IT hằng năm gần một tỷ USD) và có cơ hội tham gia cung cấp dịch vụ cho lĩnh vực mới là Utility (hạ tầng gồm điện, nước, gas) tại thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật. Chỉ sau một năm, RWE IT đã mang về cho FPT nhiều hợp đồng hàng trăm triệu USD liên quan đến chuyển đổi số cho Innogy SE.
Vào tháng 7/2018, FPT mua lại 90% cổ phần Công ty Intellinet (Mỹ), tổng giá trị thương vụ 45-50 triệu USD. Theo FPT, đây là lần đầu tiên một công ty công nghệ thông tin Việt Nam mua công ty tư vấn của Mỹ.
Ông Trương Gia Bình chia sẻ, chỉ sau hai năm M&A, FPT đã có thể cạnh tranh sòng phẳng với 193 công ty công nghệ, tập đoàn sừng sỏ trên thế giới để thắng hợp đồng trị giá 150 triệu USD, triển khai chuyển đổi số cho công ty kinh doanh ôtô hàng đầu tại Mỹ.
Kết quả này mở ra một chương mới phát triển của FPT tại thị trường nước ngoài, hiện thực hóa giấc mơ của những nhà sáng lập cách đây 30 năm - nỗ lực khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ số thế giới.
Base kỳ vọng giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số
Nếu giấc mơ của một tập đoàn lớn như FPT từng bị cho là viển vông, thì với Base, bài toán của nhà sáng lập Phạm Kim Hùng cũng được đánh giá "điên rồ" ở thời điểm năm 2016.
Khi chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam, ông Phạm Kim Hùng cùng nhóm sáng lập của Base đã mang khát vọng xây dựng một nền tảng, hệ điều hành riêng cho phân khúc này. Hệ điều hành trong giấc mơ của Base có thể chứa các ứng dụng do Base hoặc các bên khác phát triển, được xây dựng độc lập và chuyên sâu, có thể cùng liên kết, chia sẻ dữ liệu với nhau.
"Chúng tôi luôn mơ tới viễn cảnh, mà ở đó, tất cả 800.000 doanh nghiệp Việt có thể dùng ít nhất một ứng dụng trên nền tảng của Base", ông Phạm Kim Hùng chia sẻ.
Ông Hùng có niềm tin phần mềm và công nghệ sẽ thay đổi toàn bộ cách mà doanh nghiệp vận hành. Tuy nhiên, trong suốt một năm đầu hoạt động, Base chỉ có 50 khách hàng. Đội ngũ Base tự hỏi, liệu khát vọng chuyển đổi số cho hơn 800.000 doanh nghiệp có là một giấc mơ quá tầm.
Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2021, Base có hơn 5.000 khách hàng doanh nghiệp trên khắp Việt Nam, hoạt động ở hầu hết mọi lĩnh vực từ tài chính ngân hàng, giáo dục đào tạo, vận tải, truyền thông...
Đồng thời, Base trở thành nền tảng công nghệ toàn diện cho doanh nghiệp tại Việt Nam theo đánh giá của Bộ Thông tin Truyền thông, là nền tảng phổ biến nhất ở Việt Nam theo số lượng người sử dụng hàng tháng. Hiện trung bình Base có khoảng 30 triệu lượt sử dụng và 2,5 triệu lượt truy cập hàng tháng. Trong một năm, Base giúp doanh nghiệp xử lý hơn hai triệu đề xuất, 12 triệu công việc được tạo ra và nhiều con số khác.
"Câu chuyện của Base đến từ hai thứ: khát vọng và sự nỗ lực điên rồ", ông Phạm Kim Hùng nói.
Trong 5 năm, Base phát triển ba ứng dụng để giải quyết ba bài toán lớn gồm tăng hiệu suất, quản trị nhân sự và quản trị thông tin. Các ứng dụng này giúp doanh nghiệp có thể làm việc và vận hành hiệu quả mọi lúc, mọi nơi. Trong năm 2020, dù khó khăn do Covid-19, Base vẫn ra mắt bộ sản phẩm quan trọng Base HRM - Giải pháp quản trị và phát triển nhân sự toàn diện cho doanh nghiệp.
Base cũng nhận được đầu tư từ 5 quỹ đầu tư trong khu vực, được đánh giá là một trong những doanh nghiệp startup tốt nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, những người viết nên câu chuyện của Base ở độ tuổi 26-27, với rất nhiều khát vọng ấp ủ. Họ đang viết tiếp một giấc mơ còn lớn lớn hơn 5 năm trước - không chỉ cung cấp các sản phẩm, giải pháp cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, mà còn mang sản phẩm, trí tuệ của những kỹ sư Việt ra thế giới.
"Đối với Base, không có 'thành công', mà chỉ có 'kế hoạch'. Đây là thời điểm thích hợp để chúng tôi tìm kiếm người bạn đồng hành, để hướng đến kế hoạch mới lớn lao, tầm vóc hơn", ông Phạm Kim Hùng nói.
Hợp lực để cùng phát triển
Ông Trương Gia Bình nhận thấy, khi chưa có chuyển đổi số, 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản trong 5 năm đầu tiên, 90% phá sản trong 5 năm tiếp theo. Bước vào chuyển đổi số, cuộc cạnh tranh sẽ còn khốc liệt hơn nữa khi thị trường, hành vi khách hàng thay đổi. Bài toán của FPT là làm thế nào đóng gói và chuyển giao các sản phẩm của mình đến cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ nâng cao năng lực quản trị.
Sự kiện hợp tác giữa FPT và Base ngày 4/5 được hai bên đánh giá là cuộc bắt tay quan trọng khi hai doanh nghiệp đều có cùng một mục tiêu chung cao hơn, là đóng góp vì một Việt Nam hùng cường.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc FPT khẳng định sẽ không làm hỏng Base. Base vẫn nắm giữ trọn vẹn doanh nghiệp của mình. FPT chỉ đồng hành, làm bệ đỡ vững chắc để đẩy Base đi nhanh hơn, biến ước mơ thành hiện thực.
Dù giá trị thương vụ chưa được công bố, ông Khoa tiết lộ tỷ lệ sở hữu cổ phần của Base đủ để FPT hợp nhất vào báo cáo tài chính. Thống nhất ý kiến với ông Khoa, ông Trương Gia Bình cũng khẳng định: "Chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa, không áp đặt, giúp Base đạt được khát vọng vươn ra toàn cầu".
FPT và Base cùng nhau tăng tốc để thúc đẩy phát triển. Bằng cách tích hợp các giải pháp đã thành công của FPT vào nền tảng đang có của Base, tốc độ ra sản phẩm sẽ nhanh, nhiều hơn. Tiếp theo là đẩy mạnh bán hàng, bởi FPT có lợi thế mạng lưới khách hàng rộng khắp. Thứ ba là tập trung về công nghệ, do FPT thành thạo trong phát triển các hệ thống lớn và vận hành một cách trơn tru, bảo mật. Cuối cùng là tận dụng sự hiện diện của FPT với 48 văn phòng ở 26 quốc gia, để chắp cánh cho Base bay xa.
Ông Phạm Kim Hùng - CEO của Base tin tưởng với kinh nghiệm, năng lực phân phối rộng khắp, FPT tạo ra lợi ích lớn cho Base trong hai mảng gồm Product và Sale.
Đánh giá cao thương vụ hợp tác, đại diện doanh nghiệp đang sử dụng nhiều ứng dụng trong hệ thống giải pháp của Base, ông Đặng Nghinh Nguyên - CEO công ty Design Buffet kỳ vọng đây sẽ là bệ phóng để Base bứt phá, tạo ra nhiều nền tảng để hỗ trợ tốt hơn cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hà Thanh (Ảnh: Hữu Khoa)