Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về công tác tái cơ cấu, thoái vốn, cổ phần hoá. Trước đó, PVN cho rằng, phải thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 với khối lượng lớn sẽ khó thực hiện khi phải đảm bảo lợi ích tối ưu cho Nhà nước.
Trong văn bản phản hồi, Bộ Tài chính cho biết, Thủ tướng đã có công văn từ năm 2017 về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp thuộc PVN sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020. Bởi vậy, Bộ đề nghị PVN thực hiện theo chỉ đạo này, trong đó, tập trung đẩy nhanh thoái vốn tại các doanh nghiệp trong các lĩnh vực nhạy cảm gồm bất động sản, quỹ đầu tư, chứng khoán, bảo hiểm.
Nhóm các doanh nghiệp trong lĩnh vực này bao gồm: Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính công đoàn dầu khí VN (PVFI), Công ty cổ phần Đông Dương xanh, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI)...
Trước đó, Chính phủ yêu cầu đến cuối năm 2018, PVN phải thoái vốn tại Công ty cổ phần PVI; Công ty cổ phần Dầu khí đầu tư khai thác Cảng Phước An; Công ty cổ phần phát triển Đông Dương Xanh; Công ty cổ phần Bất động sản dầu khí SSG.
Ở giai đoạn 2018-2019, tập đoàn này sẽ phải thoái toàn bộ vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Công đoàn dầu khí Việt Nam, Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Bảo dưỡng - Sửa chữa công trình dầu khí. Trong giai đoạn 2018-2020, PVN cũng phải giảm tỷ lệ nắm giữ tại một loạt doanh nghiệp.
Trong một đề xuất liên quan đến thực hiện đề án tái cơ cấu gửi Bộ Công Thương, PVN từng xin một loạt cơ chế ưu đãi đặc thù, trong đó có việc trích nguồn dự phòng để bù đắp khi có rủi ro xảy ra trong hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí với tỷ lệ 30% lợi nhuận trước thuế.
Nguyễn Hà