Chốt phiên giao dịch 2/4, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng gần 470 điểm, tương đương 2,24%, lên 21.413 điểm. S&P 500 tăng 2,28% lên 2.526 điểm, còn Nasdaq Composite cũng tăng 1,72% lên 7.487 điểm.
Chỉ số năng lượng S&P 500, vốn đã giảm hơn 50% từ đầu năm do cuộc chiến giá và lo ngại về nhu cầu sụt giảm, đã tăng 9,08% phiên hôm qua.
Saudi Arabia đã kêu gọi một cuộc họp khẩn giữa các nước sản xuất dầu, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kỳ vọng Nga và Saudi Arabia sẽ ngừng cuộc chiến giá và cắt giảm sản lượng 10-15 triệu thùng một ngày. Những thông tin này đã giúp giá "vàng đen" tăng kỷ lục. Giá dầu WTI tăng 24,7%, còn dầu Brent tăng 21,5% hôm qua.
Những cổ phiếu dẫn đầu đà tăng trong S&P 500 chủ yếu là các công ty dầu khí. Cổ phiếu của Occidental Petroleum tăng 18,9%, trong khi Apache Corp và Halliburton cũng tăng hai con số khi kết thúc phiên.
"Thị trường đã diễn biến quá tệ, nó sẽ không tăng mạnh như thế này trừ khi nhiều người nghĩ rằng đà giảm đã trở nên quá mức", JJ Kinahan - chiến lược gia trưởng tại TD Ameritrade đánh giá.
Tuy nhiên, cú huých về giá có thể vẫn chưa đủ để cứu một số công ty dầu đá phiến tại Mỹ đang trên bờ vực phá sản, khi nhu cầu tiếp tục sụt giảm do ảnh hưởng từ đại dịch.
Các nhà phân tích dự đoán đà giảm của chứng khoán Mỹ sẽ còn tiếp tục khi tình trạng phong tỏa vẫn diễn ra trên diện rộng, nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Việc này khiến nhiều doanh nghiệp ngừng kinh doanh, sa thải nhân viên, từ đó làm giảm nhu cầu chi tiêu. Cổ phiếu Boeing, biểu tượng của sức mạnh công nghiệp Mỹ, đã giảm 5,68% trong phiên 2/4.
Các nhà đầu tư hôm qua cũng tiếp tục đón nhận một loạt tin tức tiêu cực, vẽ lên một bức tranh kinh tế Mỹ ngày càng ảm đạm. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước đã tăng lên 6,65 triệu, cao hơn con số ước tính của các nhà kinh tế là 5,25 triệu.
"Nhìn chung, những con số này vẫn cho thấy một bức tranh ảm đạm và thị trường có thể rung chuyển. Điều này có thể là sự bắt đầu cho nhiều thứ tồi tệ hơn", Kinahan nói.
Minh Sơn (theo Reuters)