Thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc hôm na cho biết, Phó thủ tướng nước này - Lưu Hạc sẽ đến Mỹ đàm phán ngày 9 và 10/5, theo lời mời của Đại diện Thương mại Mỹ - Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Steven Mnuchin. Hôm qua, nhiều nguồn tin cho biết giới chức Trung Quốc có thể hủy chuyến đi này.
Triển vọng đàm phán Mỹ - Trung trở nên mờ mịt sau thông báo bất ngờ của ông Trump trên Twitter tối Chủ Nhật, rằng sẽ nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc từ 10% lên 25%, bắt đầu từ thứ sáu tuần này. Ông cũng đe dọa đánh thuế 25% với thêm 325 tỷ USD hàng Trung Quốc.
"Việc Trung Quốc cử đoàn đại diện đến Mỹ cho thấy họ vẫn sẵn sàng giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, dù Mỹ nói gì", Lu Xiang tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận xét, "Nếu chính quyền ông Trump vẫn đánh thuế vào thứ Sáu, đàm phán sẽ đổ bể. Khi đó, chúng ta cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất".
Tờ Global Times (Trung Quốc) hôm nay cho biết nước này "đã chuẩn bị rất kỹ cho các kịch bản có thể xảy ra" trong đàm phán thương mại với Mỹ, "kể cả đàm phán tạm thời trục trặc". Cánh cửa đối thoại sẽ không đóng lại kể cả nếu Mỹ nâng thuế.
Trong buổi họp báo thường kỳ hôm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Geng Shuang khẳng định sự tôn trọng lẫn nhau là nền tảng để đạt thỏa thuận thương mại. "Áp thuế bổ sung không giải quyết được việc gì cả. Việc hai bên có bất động là bình thường. Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục các cuộc nói chuyện", ông cho biết.
Chứng khoán châu Á hôm nay tăng trở lại sau tin ông Lưu Hạc vẫn tới Mỹ. Shanghai Composite chốt phiên tăng 0,7%. Còn Hang Seng Index tăng 0,5%.
Ông Lighthizer cho biết Mỹ lên kế hoạch tăng thuế với hàng Trung Quốc từ 0 giờ ngày 10/5. "Tuần trước, chúng tôi nhận thấy Trung Quốc đang cố gắng thay đổi các cam kết trước đó. Điều này, theo quan điểm của chúng tôi, là không thể chấp nhận", ông giải thích, đồng thời nhấn mạnh các vấn đề quan trọng vẫn chưa được giải quyết, trong đó có việc nên gỡ hay thuế nhập khẩu hay không.
Cuối tuần trước, Trung Quốc đã gửi cho Mỹ một bản dự thảo thỏa thuận, trong đó sửa đổi từ ngữ về một số vấn đề. Việc này "có thể khiến thỏa thuận bị thay đổi rất nhiều", Mnuchin cho biết. Khi thỏa thuận đã hoàn tất tới 90%, Trung Quốc lại muốn lật lại các vấn đề đã đàm phán xong. "Chúng tôi không sẵn sàng làm điều đó", Mnuchin cho biết.
Hà Thu (theo Bloomberg/Reuters)