Giữa trưa, mặt trời đứng bóng, nắng rọi thẳng vào cơ sở sản xuất tại khu công nghiệp tại huyện Củ Chi, TP HCM. Trong công xưởng, hàng chục công nhân tất bật hoàn tất phần việc trước giờ nghỉ.
Kết thúc ca sáng, anh Trung Kiên - công nhân phụ trách khâu vận chuyển thành phẩm, dù vận động tay chân khá nhiều nhưng không lấm tấm mồ hôi. Cách hàng chục mét, các đồng nghiệp của anh ở đầu dây chuyền cũng không có cảm giác mệt mỏi, bởi môi trường làm việc thoáng mát, trái ngược hoàn toàn với cái nắng thiêu đốt bên ngoài.
"Công việc đòi hỏi di chuyển và thao tác liên tục nhưng nhờ không gian mát mẻ, đầy đủ ánh sáng khiến mình không thấm mệt", chị Hoàng Oanh, tạp vụ tại nhà xưởng nói.
Nhà xưởng xây dựng bằng vật liệu panel cách nhiệt ốp lên xà gồ và khung thép tiền chế. Vách ngoài và trong bằng tôn mát, ở giữa là vật liệu polyurethane (PU) giãn nở giúp chặn đứng nhiệt độ âm vào tường. Hệ thống quạt hút gió hoạt động bằng cảm biến nhiệt không hoạt động, bởi nhiệt độ trong nhà xưởng duy trì ở mức dưới 30 độ C.
Không chỉ riêng tại TP HCM, các công xưởng bằng panel cách nhiệt như trên hình thành ngày càng nhiều, có mặt tại hầu hết các tỉnh công nghiệp trọng điểm tại Việt Nam như Bình Dương, Thái Nguyên, Bắc Giang... Đây được xem là loại vật liệu công nghệ mới, trọng lượng nhẹ, an toàn với môi trường, khắc phục các điểm yếu của phương pháp xây dựng thô gạch, bê tông đối với các địa hình dễ lún sụt.
Xu hướng toàn cầu
Theo hãng nghiên cứu Modor Inteligence Reseach (Ấn Độ), thị trường tiêu thụ panel cách nhiệt lớn nhất thế giới là châu Âu, nổi bật có Anh, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây cũng là nơi sớm phát minh ra các tấm cách nhiệt bằng các vật liệu thiên nhiên như cỏ biển, cỏ lưỡi gà. Đến những năm 1950, các hình thức nhân tạo như lớp đệm nhân tạo bằng len đá, polyurethane và polyethylene đặt giữa các tấm kim loại ra đời và sử dụng rộng rãi đến tận ngày nay trong cả công nghiệp lẫn nhà ở dân dụng.
Nghiên cứu này cũng nhận định, vật liệu khởi nguồn và bùng nổ tại châu Âu nhưng châu Á - Thái Bình Dương mới là nơi ghi nhận sự tăng trưởng nhanh nhất. Thị phần Bắc Mỹ chiếm 37% trên toàn cầu vào năm 2017. Tỷ lệ tăng trưởng lũy kế hàng năm (CAGR) theo hãng nghiên cứu vào khoảng 6,13% trong giai đoạn 2018-2023. Hãng này lý giải các vùng công nghiệp khổng lồ mọc ra tại Trung Quốc, Brazil tạo ra cơ hội lớn cho thị trường panel cách nhiệt với các ưu điểm về khả năng chống cháy, hạn chế chất thải.
Tương đồng theo dự đoán trên, đơn vị nghiên cứu Stratistic MRC (Ấn Độ) cũng dự đoán châu Á - Thái Bình Dương sớm dẫn đầu về thị trường panel cách nhiệt, bởi các quốc gia Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc đang tăng tốc và mở rộng đô thị hóa, yêu cầu ngày càng cao về các công trình thân thiện môi trường, tiết kiệm điện năng.
Tại Đông Nam Á, xu hướng đưa tấm cách nhiệt vào xây dựng cũng dần hình thành. Philippines - quốc gia láng giềng của Việt Nam - ước tính tăng trưởng lũy kế ngành panel cách nhiệt hơn 4,21% trong giai đoạn 2019-2014, theo Modor Inteligence. Trong đó ứng dụng vật liệu này trong xây vách tường chiếm hơn 60%. Hãng nghiên cứu cho rằng mức tăng của tấm cách nhiệt song hành chiều đi lên ngành công nghiệp xây dựng của quốc đảo.
"Thời gian và chi phí là hai thông số liên quan đến trong hoạt động xây dựng, đồng thời là rào cản cần phải vượt qua của đất nước này để phát triển lĩnh vực xây dựng. Tấm cách nhiệt cấu trúc là một trong những giải pháp chính cho những vấn đề này", trích báo cáo Modor Inteligence.
Khi ngành xây dựng tiếp tục mở rộng ở các quốc gia phát triển và đang phát triển, thị trường tấm cách nhiệt mặt kim loại được dự kiến tiếp tục tăng trưởng. Khí hậu ấm lên, môi trường làm việc tại các công xưởng ngày càng khắc nghiệt cũng được Modor Inteligence đánh giá sẽ thúc đẩy mô hình xây dựng bằng panel cách nhiệt nhân rộng.
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm... chọn lựa vật liệu này để thi công nhà xưởng, kho lạnh, hầm đông, kho kháng khuẩn. Một trong những yếu tố thúc đẩy lĩnh vực cách nhiệt tại Việt Nam được giới chuyên gia nhận định là quá trình công nghiệp hóa. Các khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên nhiều nơi với định hướng phát triển bền vững, đòi hỏi các công tác xây dựng tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường.
Áp lực về thời gian thi công cũng khiến các nhà thầu chuyển hướng từ phương pháp xây thô sang lắp dựng panel. Một khu nhà xưởng diện tích hơn 10.000m2 có thể hoàn thành chỉ trong thời gian 2-3 tháng. Đặc tính về độ nhẹ của vật liệu này còn giúp giảm tải trọng kết cấu, giảm lực ép cọc móng, nhờ đó phù hợp cho các vùng có thổ nhưỡng nhiễm mặn, oxy hóa như ven biển.
Sức tiêu thụ cao, do đó thị trường có sự phân cấp với nhiều phân khúc sản phẩm từ thấp cấp đến cao cấp. Khác biệt nằm ở công nghệ sản xuất. Các sản phẩm giá rẻ đồng nghĩa với phương pháp sản xuất thủ công, lớp PU đóng vai trò cách nhiệt không đồng đều ở các điểm, khiến khả năng chống chịu trước khí hậu, môi trường kém hơn. Trong khi các sản phẩm cao cấp, sản xuất theo quy trình tự động. Lớp polyurethane đặt giữa hai mảng kim loại có mật độ tô kín đều, không tụ đọng bong bóng hơi dù độ dày dao dộng từ 50-200mm. Tôn nguyên liệu cũng cần đạt chất lượng, độ chịu nhiệt, chịu ẩm cao.
Ông Giáp Văn Thanh - Tổng giám đốc Công ty Cách nhiệt Phương Nam - đơn vị hơn 20 năm sản xuất và cung cấp các giải pháp cách âm cách nhiệt cho biết, panel cao cấp đang nhận được sự quan tâm của các khách hàng doanh nghiệp lẫn cá nhân. Danh sách đối tác của công ty trong nhiều năm qua đang mở rộng nhanh chóng, trong đó có nhiều tập đoàn đầu ngành thực phẩm, chăn nuôi.
"Thị trường nhiều triển vọng nhưng cần nhất là các doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc, cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm panel đúng theo tiêu chí "vật liệu nhẹ, công nghệ cao", ông Thanh nói.
Cách nhiệt Phương Nam mới đây đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà máy 25.000m2 với dây chuyền sản xuất panel hai mặt tôn liên tục, công suất 37.000m2 một ngày. Công nghệ từ Đức và được các chuyên gia từ Đài Loan điều chỉnh để phù hợp với khách hàng Việt Nam. Dây chuyền vận hành thử nghiệm trong ba tháng qua và sẽ chính thức khánh thành giữa tháng 10 sắp tới.
Bảo An