Những ngày qua, ông Đoàn Lý ở xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi luôn có mặt ngoài ruộng để hái ớt. Từ sau Tết đến nay, giá ớt tăng liên tục từ 20.000 lên 30.000 đồng một kg. "Tôi đã hái đến lứa thứ tư, hiện còn 100 kg vừa hái chưa bán", ông nói.
Còn ông Phạm Phụng, từng chặt bỏ 3 sào ớt vào giữa mùa năm ngoái do giá rớt còn 5.000 đồng một kg thì năm nay chỉ trồng một sào. "Rút kinh nghiệm nên tôi giảm diện tích. Tôi vừa hái hai đợt, thu 1,2 tạ ớt, lãi vài triệu đồng", ông nói.
Một thương lái thu mua ớt ven sông Trà Khúc cho biết, năm ngoái, giá ớt chỉ 25.000 đồng mỗi kg, nhưng năm nay tăng lên 30.000 đồng một kg tại ruộng. Anh cho hay sản lượng thu mua ớt giảm rõ rệt so với năm ngoái. "Năm trước tôi mua của một chủ vựa mỗi ngày 70 tấn, năm nay chỉ 20 tấn", thương lái này nói.
Dù sản lượng thu mua không cao, các thương lái chỉ thu mua ớt đạt chất lượng, không bị sứt mẻ, đen cuống... Giá ớt tươi thành phẩm sau khi đóng vào khay lên 35.000 đồng một kg. Với ớt bị loại bỏ, nông dân phơi để bán trong nước.
Tại huyện Bình Sơn, vựa ớt lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, các hộ trồng ớt cũng đang hăng hái thu hoạch vì ớt được giá cao. Do giá ớt không ổn định, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi không khuyến khích, và nông dân cũng chủ động giảm diện tích trồng cây này. Theo Phòng Nông nghiệp huyện, diện tích ớt hiện chỉ còn 520 ha, giảm 150 ha so với năm ngoái.
Tại huyện Phù Mỹ, "thủ phủ" ớt của Bình Định, giá ớt chỉ thiên tăng lên 30.000 - 32.000 đồng mỗi kg, ớt chỉ địa lên đến 25.000 đồng mỗi kg. Ông Ngô Văn Tứ ở xã Mỹ Quang, có kinh nghiệm trồng ớt hàng chục năm cho biết, mức giá này đã duy trì một tuần. "Nếu giá ớt tiếp tục duy trì như thế này thì nông dân trúng", ông nói.
Tương tự Quảng Ngãi, cây ớt ở Bình Định nhiều năm nay có đầu ra chủ yếu là thị trường Trung Quốc, song giá cả không ổn định giữa các năm, và đầu mùa so với cuối mùa. Cuối tháng 5/2017, giá ớt chỉ còn 2.000 đồng một kg.
Ông Trần Minh Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phù Mỹ cho biết diện tích ớt toàn huyện còn 890 ha, giảm 200 ha so với năm ngoái.
Phạm Linh