OPEC+ vừa chốt tăng sản lượng dầu mỏ thêm 841.000 thùng mỗi ngày vào tháng 7, sau một cuộc họp chưa đầy 30 phút, trở thành một trong những cuộc họp ngắn nhất trong lịch sử gần đây của nhóm.
Sau tháng 7, OPEC + dự kiến giữ ổn định sản lượng cho đến tháng 4/2022, theo thỏa thuận đã ký một năm trước. Tuy nhiên, thỏa thuận vẫn có thể được thương lượng lại và nhiều khả năng phải làm như vậy khi nhu cầu tiếp tục phục hồi. Do đó, OPEC+ dự kiến nhóm họp tiếp vào 1/7 tới.
Hôm thứ ba (1/6), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 71,17 USD mỗi thùng, tăng khoảng 2,7%. Trong khi đó, giá dầu WTI đứng ở mức 68,65 USD, tăng hơn 3%. Giá dầu đã tăng hơn 30% trong năm nay.
Với giá đang trên ngưỡng 70 USD mỗi thùng và nhu cầu xăng, dầu diesel ngày càng tăng ở Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, OPEC + hiện là trung tâm của cuộc tranh luận về mối đe dọa lạm phát trên thị trường hàng hóa toàn cầu. "Bức tranh về nhu cầu đã có dấu hiệu cải thiện rõ ràng", Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, xác nhận.
OPEC+ đã dành hơn một năm để cứu giá dầu khỏi mức thấp lịch sử và rất thận trọng trong việc bổ sung nguồn cung. Giờ đây, câu chuyện đang đi theo chiều hướng ngược lại là nhu cầu dầu mỏ tăng cao khi các nền kinh tế phục hồi.
"Trong trường hợp không thay đổi các chính sách, với sự tăng trưởng mạnh mẽ đến từ Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu, chúng ta sẽ thấy khoảng cách giữa cung và cầu ngày càng gia tăng", Fatih Birol, CEO Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhận định.
Nhưng việc điều phối sản lượng không hề đơn giản. Nếu để thị trường phát triển quá nóng, giá dầu tiếp tục lên cao thì có thể làm suy yếu đà phục hồi của thế giới. Nhưng việc "xả van" thêm quá nhiều dầu cũng sẽ rất rủi ro vì đang có hai biến số là Covid-19 và Iran.
Với Covid-19, sự bùng phát và các biến thể mới luôn tiềm ẩn rủi ro cho kinh tế các nước. "Covid-19 là một kẻ thù dai dẳng và không thể đoán trước, và các đột biến xấu vẫn là một mối đe dọa", Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết.
Song song đó, Iran đang thảo luận với sáu cường quốc thế giới để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Việc khôi phục được thỏa thuận có thể dẫn đến nhiều dầu hơn trên thị trường toàn cầu trong thời gian tới.
Cụ thể, theo các nhà phân tích, nếu thỏa thuận được ký kết và Washington nới lỏng các lệnh trừng phạt, Iran có thể tăng sản lượng dầu thô lên 4 triệu thùng mỗi ngày trong năm tới, từ mức 2,4 triệu thùng mỗi ngày hiện tại.
"Tôi nghĩ rằng mọi người đang dự đoán Iran sẽ tăng nhiều sản lượng. Vì vậy, ngoài mức tăng tháng 7, OPEC+ không có khả năng đưa ra bất kỳ cam kết nào", Amrita Sen, Trưởng nhóm phân tích dầu tại Energy Aspects, đánh giá.
Các nhà phân tích của Eurasia Group thì cho rằng, trong trung hạn, OPEC + rất có thể sẽ điều chỉnh chính sách để ngăn chặn việc Iran gia tăng sản lượng làm mất cân bằng thị trường. Theo đó, Saudi Arabia có thể sẽ dựa vào Nga để hiểu rõ hơn về chính sách của Iran nhằm đưa ra các kế hoạch điều chỉnh. Iran cũng có thể sẽ hành động mang tính xây dựng khi giá dầu cao hơn, nhằm phục vụ lợi ích của chính họ.
Phiên An (theo Bloomberg, CNBC)