Khởi nghiệp từ năm 1988, cùng giai đoạn khu vực kinh tế Việt Nam chính thức đổi mới, Chủ tịch Trương Gia Bình của Tập đoàn FPT được coi là một trong những đại diện đầu tiên thành công tại khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Hiện ông đồng thời giữ vai trò Trưởng ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (ban IV), là nhân vật năng nổ trong việc thúc đẩy khởi nghiệp, đóng góp cho cộng đồng kinh doanh. Trao đổi với VnExpress về vị thế của kinh tế tư nhân sau 30 năm đổi mới, ông kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm có những thế hệ "cá chép vượt vũ môn", vươn đến tầm toàn cầu.
- Hành trình phát triển của FPT đi liền với sự đổi mới của nền kinh tế đất nước, ông đánh giá vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong sự phát triển kinh tế hơn 30 năm qua ra sao?
- Có thể nói, kinh tế tư nhân Việt Nam là một trong những nền kinh tế non trẻ nhất trên thế giới. Ở nhiều quốc gia, ví dụ như Myanmar, kinh tế thua Việt Nam, nhưng nền tảng của nền kinh tế tư nhân của họ đã có hàng trăm năm. Có rất nhiều tỷ phú Myanmar, kể cả những giai đoạn cấm vận khó khăn nhất.
Non trẻ ở đây không chỉ về tuổi đời mà còn về nền tảng văn hóa kinh tế tư nhân. Nền kinh tế tư nhân được ghi nhận như sự cam kết pháp lý cao nhất về hợp đồng kinh tế. Ví dụ, theo pháp luật Hong Kong, bạn thanh toán chậm một ngày theo hợp đồng, bạn có thể ngồi tù. Kinh tế Việt Nam mới hình thành 30 năm chưa thể nói gì về văn hóa cả.
Non trẻ về số lượng. Hiện nay, Việt Nam có khoảng dưới một triệu doanh nghiệp. Trong khi nhiều nước, cứ 10 người có một doanh nghiệp. Nhẽ ra, đâu đó chúng ta phải có 5 triệu doanh nghiệp.
Non trẻ về trình độ và kinh nghiệm. Những nhà quản trị kinh doanh quốc tế đã tiếp thu kinh nghiệm và kiến thức quản trị từ gia đình, các trường đại học, còn chúng ta hầu hết là tự học, tự làm.
Non trẻ cả về khát vọng. Những doanh nghiệp các nước có nền kinh tế hàng trăm năm người ta hiển nhiên coi là tập đoàn toàn cầu. Còn doanh nghiệp Việt Nam đôi khi chỉ nghĩ mình là doanh nghiệp tỉnh, thị trường bị giới hạn ở địa phương.
Song chính sự non trẻ này chứa đựng những giá trị quý giá, chỉ Việt Nam mới có. Đó là chúng ta đứng lên tự giải phóng mình khỏi nghèo khổ, chúng ta có khát vọng làm giàu. Đặc biệt thanh niên Việt Nam có khát vọng rất lớn. Sự khác biệt tiếp theo là người Việt Nam có tinh thần yêu nước, sẵn sàng ganh đua, chiến đấu để khẳng định doanh nghiệp của mình.
Còn nữa, doanh nghiệp tư nhân Việt tăng trưởng rất nhanh. FPT khởi nghiệp trước Luật Doanh nghiệp nhưng đội ngũ ấy có sự tăng trưởng đột phá. Tại nhiều nước có sự tăng trưởng 5-6% thì họ phấn khởi, còn ở Việt Nam, doanh nghiệp tăng vài chục % vẫn chưa hài lòng. Nhiều doanh nghiệp muốn tăng trưởng đạt tốc độ 100%, thậm chí 200%.
Tôi nhận thấy tinh thần Thánh Gióng trong các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp tư nhân đang trưởng thành, tôi càng mong muốn họ sẽ trưởng thành nhanh chóng, vững vàng hơn nữa.
- Thời khắc nào ông thấy vị thế của doanh nhân Việt cần thay đổi?
- Khi tôi còn là Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam lần đầu tiên có một số chuyện giờ kể lại nghe rất buồn cười. Tôi mời một doanh nghiệp có thương hiệu khi đó vào Hội doanh nghiệp trẻ, nhưng mọi người ngần ngại với lý do "sợ lộ mặt vì là doanh nghiệp tư nhân".
Ở thời điểm đó, doanh nghiệp tư nhân thường giấu mình. Xã hội khi đó cho rằng "sĩ nông công thương", tức là anh này là tầng lớp thấp nhất trong xã hội, gán cho doanh nhân những phẩm chất xấu nhất như ăn cướp, lừa đảo...
Đấy là hình tượng lúc ấy, khiến nhiều người không dám thể hiện mình. Nếu giới thiệu tôi là nhà khoa học thì rất tự hào, nhưng bảo tôi là doanh nhân thì cảm thấy gượng.
Đến bây giờ, nhìn tư cách của doanh nhân Việt Nam ra thế giới, gặp gỡ các nhà lãnh đạo quốc tế, các tập đoàn thế giới đã hoàn toàn khác. Đó là sự trưởng thành lớn về hình ảnh của các doanh nhân Việt Nam.
- Để thay đổi tư duy về doanh nghiệp tư nhân, các ông đã vượt qua những khó khăn như thế nào?
- Thực ra, doanh nghiệp tư nhân bản chất là nấu cơm bằng củi, bạn không bao giờ được rời nồi cơm đó. Bạn phải chờ từ khi bắc nồi cho tới khi cơm chín. Mỗi ngày là một rừng vấn đề phải giải quyết, nhiều khi phải giải quyết trong một môi trường mà mình không rõ thế nào là đúng, thế nào là sai. Chẳng hạn, xin một thủ tục thì đi lại phải 20, 30 lần không thể kể hết được.
Nói chung, doanh nghiệp Việt ngoài việc phải chăm lo thuần kinh doanh còn phải chăm lo muôn vàn phần khác, trong một môi trường đang tiếp tục xây dựng để trở thành thị trường đầy đủ.
- Ông đánh giá ra sao về những chính sách của Việt Nam đối với cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua?
- Cái quan trọng nhất tôi nghĩ là hệ thống chính trị Việt Nam đã nhìn nhận khác hẳn về doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân bây giờ có sứ mệnh của họ. Chúng ta đều hiểu, nếu họ thất bại, đất nước cũng khó thành công.
Những năm vừa qua, Chính phủ đưa ra những chính sách minh bạch, hành động, kiến tạo, vì dân, vì doanh nghiệp. Quan điểm này rất rõ ràng, nếu bạn cứ kêu chung chung thì tôi không biết giúp bạn như thế nào. Nhưng nếu bạn có những đề xuất giải quyết cụ thể, Chính phủ ủng hộ rất nhanh.
Bây giờ, đặt ngược lại các thách thức khác là nâng tầm các doanh nghiệp lên. Chúng ta bắt đầu nói đến những khái niệm như doanh nghiệp hiến kế, doanh nghiệp tham gia xây dựng chính sách... Đây chính là sự thay đổi rất lớn về những vai trò tích cực của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện tại.
- Ông hình dung như thế nào về thế hệ doanh nhân tiếp theo của Việt Nam?
- Tôi cho rằng thế hệ tiếp theo thực sự rất lý thú. Rất nhiều người đã đến những nơi trung tâm nhất của thế giới để học tập và làm việc. Họ có thể từng học ở Đại học Harvard, MIT, Stanford... Họ có thể từng làm việc ở Sillicon Valley, họ có bằng tiến sĩ và rất nhiều người được học cao tại khắp nơi trên thế giới. Điều kiện học của họ đã lớn lên một bậc.
Vậy thì, sự chờ đợi tiếp theo sẽ là một thế hệ "cá chép vượt vũ môn". Sẽ có những doanh nghiệp Việt có tư duy Sillicon Valley, có thể làm ra những sản phẩm cạnh tranh được với bất kỳ doanh nghiệp nào trên thế giới. Họ có thể có những ý tưởng trở thành unicorn (kỳ lân). Tương lai các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ là vượt ra khỏi khuôn khổ để chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.
- Ông đánh giá như thế nào về sứ mệnh và vai trò của Diễn đàn kinh tế tư nhân tới đây?
- Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam là nơi gặp gỡ cấp cao nhất của Chính phủ với những lãnh đạo cao cấp khối doanh nghiệp tư nhân. Nó phản ánh tiếng nói của giới doanh nghiệp cũng như sự trông đợi của Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện phụng sự đất nước.
Diễn đàn là không gian tập hợp các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam để đối thoại với Chính phủ, cũng là nơi biểu dương những thành tựu của nền kinh tế Việt Nam đến hôm nay. Đây cũng là nơi tổng kết nhiều diễn đàn chuyên ngành và nhiều cuộc đối thoại cụ thể giữa Chính phủ và doanh nghiệp.
Hoài Phong