Nhắc đến thanh toán không dùng tiền mặt tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) không dưới hai lần nói ước mơ là đưa "mọi dịch vụ ngân hàng lên nền tảng mobile".
Những dịch vụ ngân hàng, theo đại diện Vụ Thanh toán, chỉ cần đáp ứng được quy tắc 3-1-0 sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn.
Quy tắc này, hiểu một cách đơn giản, là mọi nghiệp vụ phải hoàn thành trong thời gian 3 phút, ứng dụng phải đáp lại yêu cầu của khách hàng trong thời gian 1 giây và không có sự can thiệp của con người trong quy trình này. "Khẩu hiệu 3-1-0 cực kỳ đơn giản, dễ nhớ, những làm được hay không lại là điều không dễ", ông Dũng nhận xét.
Rào cản lớn nhất về việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, là thói quen của người tiêu dùng. Nhiều khách hàng vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt, dù rằng áp dụng công nghệ, những ứng dụng thanh toán, sẽ mang lại sự tiện lợi hơn rất nhiều. "Nhiều người vẫn nạp thẻ điện thoại bằng thẻ cào, thanh toán mua hàng bằng tiền mặt, dù những hoạt động này chỉ cần thực hiện bằng vài lần click chuột", ông Dũng chia sẻ.
Bên cạnh đó, Vụ trưởng Thanh toán cũng cho rằng một vấn đề đang tồn tại trong thương mại điện tử là lòng tin của khách hàng.
Trong 5 năm gần đây, lĩnh vực này tăng trưởng với tốc độ 25-30% mỗi năm với tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử năm 2018 đạt 8 tỷ USD, tuy nhiên chủ yếu phương thức thanh toán vẫn là tiền mặt. Chỉ 3-5% lượng giao dịch sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, với tỷ lệ thanh toán trực tuyến chiếm tỷ trọng rất thấp, đến 80% khách hàng hiện vẫn dùng phương thức nhận hàng trả tiền (COD).
"Những nền tảng thương mại điện tử bán hàng không đúng quảng cáo, không đúng mẫu mã yêu cầu khiến khách hàng không thực hiện thanh toán trước", Vụ trưởng Thanh toán nói và cho rằng việc cải thiện lòng tin của khách hàng sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong quy trình thanh toán thương mại điện tử.
Một rào cản khác cho sự thay đổi, theo ông Dũng, là khoảng cách giữa nói và làm, tương tự đánh giá trước đó của ông Bùi Quang Ngọc, Phó chủ tịch FPT.
Đơn cử như vấn đề sử dụng dữ liệu, ông Dũng cho rằng rào cản nằm chủ yếu ở sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan. Muốn áp dụng thanh toán điện tử cho các dịch vụ như điện, y tế, giao thông... cơ quan quản lý cần cơ chế chia sẻ dữ liệu, xây dựng hệ thống Open API liên thông với những Bộ, ngành để chia sẻ thông tin khách hàng, tạo ra một cơ chế thanh toán thông suốt. Điều này chỉ có thể làm được nếu có sự vào cuộc của tất cả thành phần liên quan.
Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian tới, cũng tiến tới là Bộ đầu tiên xây dựng cơ chế sandbox (khung pháp lý thử nghiệm). Đánh giá hành lang pháp lý đang đi chậm hơn so với công nghệ từ 3-5 năm, ông Dũng cho rằng nếu không có những cơ chế thí điểm quản lý thì việc theo kịp với sự phát triển của công nghệ là điều rất khó.
Minh Sơn