Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng được tổ chức sáng 9/1. Là đại diện ngân hàng đầu tiên phát biểu, ông Trịnh Ngọc Khánh - Chủ tịch hội đồng thành viên Agribank đã "nổ phát súng" đầu tiên cho cam kết giảm lãi suất cho vay. Ông cho biết, Agirbank sẽ giảm 0,5% lãi suất cho vay với các đối tượng ưu tiên, gồm cả cho vay trung hạn, ngắn hạn và dài hạn.
Hưởng ứng sau đó, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng đưa ra việc giảm lãi và theo ông cam kết, sẽ "áp dụng ngay từ hôm nay". Cụ thể, các khoản vay ngắn hạn tại Vietcombank sẽ được giảm lãi suất thấp hơn 0,5% với mức quy định trần của Ngân hàng Nhà nước cho 5 lĩnh vực ưu tiên. Như vậy các khoản vay ngắn hạn sẽ có lãi suất tối đa 6% một năm. Việc giảm lãi suất sẽ áp dụng cho các khoản vay đang còn dư nợ và khoản vay mới từ năm 2019.
Các khoản vay trung và dài hạn thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên cũng được giảm đồng loạt 0,5%. "Với Vietcombank, dư nợ 5 lĩnh vực ưu tiên đang chiếm trên 30% nên mức giảm này chia sẻ đáng kể lợi nhuận, ước khoảng 450 tỷ đồng", ông Thành nói.
2018 được xem là năm hoạt động kinh doanh thành công của cả Agribank lẫn Vietcombank khi cả hai "ông lớn" này khẳng định mức lợi nhuận đạt kỷ lục đều không phải do "tăng lãi suất cho vay". Với Agribank, ông Trịnh Ngọc Khánh cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 7.500 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. "Mức lợi nhuận tăng cao so với 2017 hoàn toàn không phải từ tăng lãi suất cho vay, chúng tôi đã giữ được lời hứa đầu năm là giảm lãi suất cho vay. Chính sự tăng trưởng của nền kinh tế đã giúp Agribank đưa nợ xấu nội bảng về 1,51%, tăng thu dịch vụ và còn thu hồi gần 12.000 tỷ từ nợ đã bán và nợ tiềm ẩn rủi ro", ông Khánh nói.
Trong khi đó, với Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết nguồn thu từ phi tín dụng (phí dịch vụ) của nhà băng đã tăng đáng kể khi chiếm tỷ lệ 30%.