Suy thoái kinh tế gây khó khăn cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam mấy năm qua. Các doanh nghiệp do ông Đặng Thành Tâm làm chủ, góp vốn hoặc điều hành cũng không tránh khỏi khó khăn chung đó, thậm chí vận hạn còn nặng nề hơn nhiều đơn vị khác. Mới đây, trong buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước, ông đã đề nghị được xem xét lùi thời hạn thanh toán trái phiếu sang cuối năm 2014. Đây là những khoản trái phiếu do các công ty liên quan tới ông phát hành cho các doanh nghiệp và nhà băng, trị giá 1.700 tỷ đồng. Trao đổi với VnExpress.net, ông Đặng Thành Tâm chia sẻ thêm về phương án xử lý nợ cũng như một số kế hoạch trong thời gian tới.
- Một thời đứng đầu sàn chứng khoán sở hữu số cổ phiếu hàng nghìn tỷ đồng, giờ ông khó khăn tới mức nào mà không thể thanh toán số trái phiếu đó?
- Tôi đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và xin cơ quan này nghiên cứu kỹ về tình hình hiện nay của doanh nghiệp nói chung để thấy rõ khó khăn. Qua đó, Ngân hàng Nhà nước mới có chính sách phù hợp nhất giúp đỡ doanh nghiệp tái cơ cấu về nợ, trong đó có chúng tôi. Tôi không xin Ngân hàng Nhà nước giúp đỡ chỉ cho các doanh nghiệp của tôi.
Nếu nhìn thẳng vào thực tế và gạt bỏ mọi nỗi xấu hổ, doanh nghiệp của tôi có đơn vị đang rất khó khăn và cũng giống như hàng trăm ngàn doanh nghiệp Việt Nam khác phải vật lộn sống còn để tồn tại, phát triển. Hai năm nay tôi không vay được vốn từ các ngân hàng thương mại và cũng không hiểu tại sao.
Trước kia vẫn có một số đơn vị cho tôi vay khá dễ dàng, ngay cả khi chẳng có gì để thế chấp, vẫn được họ giúp. Hiện giờ các khu công nghiệp của tôi có lãi và tài sản thế chấp, nhưng để vay lại không dễ. Tôi nghĩ có nhiều lý do, chẳng hạn những ngân hàng này không còn muốn liên quan tới tôi hoặc có khả năng cạnh tranh không lành mạnh.
- Khả năng tự chi trả nợ nần của các doanh nghiệp ông tham gia hiện nay thế nào?
- Theo kết luận thanh tra về nhóm nợ liên quan, tổng số nợ chúng tôi phải trả khoảng 3.500 tỷ đồng, trong đó có 1.700 tỷ đồng là trái phiếu. Tuy nhiên, tôi chỉ quản lý 1.000 tỷ đồng trái phiếu, 700 tỷ đồng còn lại nằm ở các đơn vị khác mà nếu tính đúng thì chưa chắc liên quan đến tôi.
Nếu chưa thể tái cấu trúc nợ cả hệ thống trong vòng 5-7 năm tới, tôi xin Ngân hàng Nhà nước cho phép chúng tôi trả 1.000 tỷ đồng trước, còn trái phiếu đến hạn vào cuối năm 2014 thì không đòi trước hạn. Như vậy, 800 tỷ đồng còn lại sẽ phải cố gắng trả tiếp nếu có điều kiện.
Với số trái phiếu trị giá 1.700 tỷ đồng, có 1.000 tỷ đồng là bán cho Ngân hàng Nam Việt (Navibank), nhưng Ngân hàng Nhà nước lại đưa vào nợ nhóm phải thu hồi trước hạn. Hiện tại, tôi đã thực hiện đúng theo kết luận thanh tra đối với Navibank và đến nay tôi không còn một cổ phần nào ở nhà băng này nữa. Toàn bộ số tiền thu được tôi trả nợ đúng như kết luận thanh tra. Bên cạnh đó, theo yêu cầu của thanh tra Ngân hàng Nhà nước, các cổ đông cũ cũng đã chuyển giao toàn bộ điều hành cho cổ đông mới.
Xét thực tế kể cả lúc khó khăn hiện tại, hoạt động của chúng tôi hoàn toàn trả nợ được, miễn là Ngân hàng Nhà nước có chính sách giãn nợ cho chúng tôi và tất cả doanh nghiệp Việt Nam khác đều được bình đẳng như nhau.
- Tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước, ông đã có đề xuất thế nào đối với từng trường hợp công ty do ông điều hành?
- Khi làm việc với Ngân hàng Nhà nước, tôi đã đề nghị toàn bộ trái phiếu của tất cả các doanh nghiệp cũng được tính vào tín dụng và không hồi tố. Tức là, nếu ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp bao nhiêu năm thì không được đòi nợ trước hạn, phải chờ đến ngày đáo hạn trái phiếu mới thu hồi. Như vậy, số trái phiếu các công ty tôi phát hành cũng được đề nghị đến hạn sẽ thanh toán vào cuối năm 2014.
Cũng trong buổi làm việc này, tôi có đề xuất được xem xét, đánh giá lại về nợ nhóm. Theo quan điểm của tôi và một số đơn vị tư vấn, cũng như theo kết luận thanh tra của chính Ngân hàng Nhà nước tại TP HCM cuối năm 2011, Navibank không có nhóm khách hàng liên quan đến cá nhân tôi, vị thanh tra mới chỉ căn cứ vào tên cổ đông sáng lập mà chưa chú ý đến việc những cổ đông này đã chuyển nhượng cổ phần từ trước khi vay, nhưng do đã đứng tên đăng ký kinh doanh nên không thể xóa hay thay đổi được.
Tôi đã đề xuất Tập đoàn Tân tạo và Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn được xem xét không phải là nhóm liên quan. Các đơn vị tư vấn của tôi cũng cho rằng hai doanh nghiệp này không phải nhóm liên quan vì mỗi tập đoàn có đến hàng chục ngàn cổ đông và hoạt động hoàn toàn độc lập. Ngoài ra, tôi cũng đề nghị được đối xử công bằng như mọi doanh nghiệp khác là được cho vay và giãn nợ để duy trì, củng cố, phát triển hoạt động kinh doanh.
- Ngoài nhiệm vụ thanh toán nợ nần, chiến lược đầu tư thời gian tới của ông có gì mới?
- Tôi nghĩ nếu các công ty không thực hiện tốt việc tái cấu trúc thì toàn bộ nền kinh tế cũng khó cơ cấu thành công. Do vậy, hội đồng quản trị chúng tôi nhất trí tập trung vào hoạt động kinh doanh chủ chốt, thoái vốn khỏi những lĩnh vực không phải thế mạnh và quyết tâm rút chân khỏi đầu tư tài chính.
Bản thân tôi đã thấu hiểu những sai lầm khi đầu tư dàn trải và phải trả giá hết sức nặng nề. Hiện giờ tôi vẫn tiếp tục quyết tâm thoái vốn khỏi lĩnh vực đầu tư tài chính để tập trung tối đa vào hoạt động kinh doanh chính là phát triển khu công nghiệp. Tôi tin chắc rằng việc tái cơ cấu của chúng tôi sẽ thành công.
- Trò chuyện với VnExpress.net giờ này năm ngoái, ông từng chia sẻ mình đang cảm thấy mệt mỏi và luôn canh cánh nhiều nỗi lo. Vậy sau một năm, hiện giờ tâm trạng của ông ra sao?
- Cho tôi nói thật, cuộc đời doanh nghiệp dễ có mấy khi được thảnh thơi. Thời gian qua quả là kinh hoàng đối với chúng tôi. Tôi cảm giác mình như người chết rồi, và bây giờ chúng tôi và các doanh nghiệp cũng vẫn còn lo âu, đặc biệt những lúc nền kinh tế trong nước nhiều khó khăn và ngoài nước có nhiều diễn biến phức tạp như thế này.
Chúng tôi cũng đã họp HĐQT và xin ý kiến cổ đông rất nghiêm túc, nhằm hết sức rút kinh nghiệm những sai lầm vừa qua. Do vậy, phần nào toàn thể vài ngàn cán bộ công nhân viên chúng tôi yên tâm hơn, tập trung vào lao động sản xuất. Và củng cố và nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại và cố gắng đóng góp hết sức mình vào sự nghiệp chung của cả nước.
Ông Đặng Thành Tâm hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã CK: KBC) và Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, Mã CK: SGT). Đồng thời, ông còn sở hữu cổ phần tại một số đơn vị như Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Mã CK: ITA) và Công ty cổ phần Khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn (Mã CK: SQC) và là một trong 10 người giàu nhất sàn chứng khoán nửa đầu năm 2013. Ngoài kinh doanh, ông còn là Đại biểu Quốc hội suốt 2 năm qua. Từng có kỳ họp ông Tâm từng phải xin nghỉ với lý do sức khỏe không tốt. Trong những ngày sóng gió nhất với ông và chị gái (cũng là đại biểu Quốc hội), ông ước ao được trở về ngày xưa. Tại kỳ họp hồi tháng 5 vừa qua, ông xuất hiện trở lại với tuyên bố chỉ muốn "xin hai chữ bình yên". |
Tường Vi