Trong bản nhận định mới công bố về triển vọng kinh tế toàn cầu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tiếp tục lặp lại cảnh báo về các rủi ro với tăng trưởng, từ căng thẳng Mỹ - Trung đến dòng chảy thương mại và đầu tư yếu. Tuy nhiên, OECD nhấn mạnh hơn vào các thách thức mang tính hệ thống, từ biến đổi khí hậu, công nghệ đến thay đổi trật tự toàn cầu.
Kinh tế trưởng OECD - Laurence Boone lo ngại thế giới sẽ tiếp tục ở trong tình trạng hiện tại thêm vài thập kỷ nữa, nếu các nước chỉ có biện pháp tài khóa và tiền tệ ngắn hạn. "Mối lo lớn nhất là triển vọng tiếp tục xuống cấp, cho thấy các vấn đề về cấu trúc chưa được giải quyết và nguyên nhân không chỉ là các cú sốc về chu kỳ", Boone cho biết, "Thật sai lầm khi cho rằng những thay đổi hiện tại chỉ là tạm thời và dùng chính sách tài khóa hoặc tiền tệ để giải quyết. Thực ra, chúng chính là các thay đổi về cấu trúc".
OECD dự báo toàn cầu tăng trưởng 2,9% năm nay và năm tới, thấp nhất một thập kỷ qua. Tốc độ này năm 2021 là 3%.
Về thương mại, OECD cho rằng rủi ro căng thẳng tăng cao là "mối lo nghiêm trọng". Đáng ngại hơn, kể cả khi tất cả rào cản được gỡ bỏ, bất ổn cũng vẫn còn. Việc này sẽ đè nặng lên tăng trưởng đầu tư và thương mại tại các nền kinh tế phát triển lớn.
Việc này cũng có nghĩa các chính phủ phải thực hiện những thay đổi sâu hơn là chỉ gỡ bỏ thuế. Họ phải đổi mới các quy tắc toàn cầu và giảm chính sách trợ cấp gây ảnh hưởng tiêu cực lên thương mại.
OECD cũng thúc giục các nước thay đổi chính sách về môi trường để ngăn ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Các chính phủ hiện không có chính sách rõ ràng về những vấn đề như thuế khí thải carbon.
Dù các chính sách tài khóa có thể tạo ra lực đẩy trong ngắn hạn, OECD cho rằng các nước nên tập trung vào dài hạn, như thông qua các quỹ đầu tư. "Tình hình hiện tại rất mong manh và các thách thức cấu trúc đang đe dọa. Có một cách để ngăn chặn suy giảm, đó là khôi phục niềm tin và đầu tư để làm lợi cho tất cả mọi người", Boone kết luận.
Dù vậy, sự bi quan của OECD về các vấn đề cấu trúc trong kinh tế toàn cầu lại trái ngược với các tín hiệu tích cực từ thị trường tài chính. Nhà đầu tư đang ngày càng đặt cược vào khả năng kinh tế bật lên năm tới, nhờ các diễn biến tích cực từ đàm phán thương mại.
Morgan Stanley dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng tốc từ đầu năm 2019. Còn Goldman Sachs cho rằng các tin tức tích cực từ thương mại đồng nghĩa rào cản với tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm bớt.
Hà Thu (theo Bloomberg)