Vingroup mua Fivimart
Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup vừa hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi Fivimart gồm 23 siêu thị từ Công ty cổ phần Nhất Nam.
Fivimart có hơn 10 năm hoạt động trên thị trường bán lẻ, sở hữu điểm kinh doanh tại các khu phố trung tâm đông dân cư. Đổi tên thành VinMart, thương hiệu Fivimart sẽ biến mất khỏi thị trường và được kỳ vọng là mảnh ghép hoàn hảo cho chiến lược phủ rộng Vinmart bên ngoài hệ thống nhà ở của Vinhomes, trung tâm thương mại Vincom. Theo kế hoạch, Vingroup đặt mục tiêu 200 siêu thị VinMart vào năm 2020.
Sau thay đổi thương hiệu, Vingroup sẽ tăng cường thực phẩm tươi sống an toàn, các nhãn hàng riêng như nông sản, thực phẩm sơ chế và chế biến, hàng tiêu dùng gia đình... cho chuỗi siêu thị mua lại từ Nhất Nam.
Thế Giới Di Động mua Trần Anh
Tháng 8/2017, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động hoàn tất thương vụ mua lại chuỗi điện máy của Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh - đơn vị vào thởi điểm đó sở hữu 39 trung tâm tại nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc và miền Trung. Trong đó, riêng tại Hà Nội, Trần Anh có 14 điểm bán.
Thương vụ này nằm trong kế hoạch “đánh chiếm” thị trường điện máy miền Bắc của Thế giới Di động. Sau giao dịch, hệ thống điện máy của Trần Anh không đổi tên thành Điện máy Xanh (chuỗi điện máy được Thế giới Di động xây dựng trước đó), song không có thêm bất cứ cửa hàng mới nào mang thương hiệu này được mở thêm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp dẫn đầu thị phần bán lẻ điện máy tiếp tục sử dụng cửa hàng và thương hiệu Trần Anh trong thời gian đầu chuyển giao nhằm hạn chế ảnh hưởng đến nhóm khách hàng thân thiết. Tuy nhiên, Thế Giới Di Động sẽ từng bước kết hợp các chương trình khuyến mại và chuyển đổi toàn bộ cửa hàng sang thương hiệu mới.
Kết quả kinh doanh của Trần Anh đã được hợp nhất vào chuỗi Điện máy Xanh.
Central Group mua Big C, Nguyễn Kim
Tháng 4/2016, Central Group - Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan đã vượt qua một loạt các đối thủ lớn để sở hữu Big C Việt Nam với giá trị thương vụ vào khoảng hơn một tỷ USD (23.300 tỷ đồng).
Trước đó, Casino Group (Pháp) đã có hơn 18 năm để phát triển hệ thống và thương hiệu Big C tại Việt Nam. Khi chuyển nhượng cho Central Group, Big C Việt Nam sở hữu 43 cửa hàng và 30 trung tâm mua sắm.
Sau khi thương vụ hoàn tất, Central Group vẫn sử dụng thương hiệu Big C và cho biết chiến lược tiếp tục đầu tư thêm các trung tâm thương mại mới, đồng thời nâng cấp các siêu thị hiện hữu thành trung tâm thương mại bán lẻ cao cấp. Cụ thể, đối với dự án nâng cấp các siêu thị Big C, từ nay đến năm 2021, Central Group Việt Nam sẽ đầu tư khoảng 30 triệu USD để nâng cấp 13 trong tổng số 34 trung tâm bán lẻ Big C hiện hữu thành các trung tâm thương mại lớn hơn về quy mô và diện tích. Điều này cũng tăng diện tích mặt bằng cho thuê của tập đoàn này lên gấp đôi so với diện tích cho thuê ở thời điểm cuối năm 2016.
Bên cạnh thương vụ này, trước đó, năm 2015, Central Group cũng mua 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Sau giao dịch, thương hiệu Nguyễn Kim vẫn tồn tại và đặt mục tiêu phát triển mạng lưới lên hơn 50 cửa hàng vào năm 2019, đồng thời đẩy mạnh tăng trưởng 50% doanh thu bán hàng trực tuyến.
Vingroup mua Oceanmart
Tháng 10/2014, Tập đoàn Vingroup mua lại 70% cổ phần Công ty Ocean Retail (ORC) - một thành viên của OceanGroup sở hữu chuỗi siêu thị Oceanmart. Thương vụ diễn ra cùng thời điểm Vingroup công bố hai thương hiệu mới VinMart và Vinmart+ với kế hoạch xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ gồm 100 siêu thị và chuỗi 1.000 cửa hàng tiện ích trên khắp Việt Nam trong vòng 3 năm. Sau giao dịch này, Oceanmart được đổi tên thành Vinmart.
Metro về tay Berli Jucker
Tháng 8/2014, Tập đoàn Metro (Đức) chuyển nhượng mảng kinh doanh sỉ (bán buôn) tại Việt Nam cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan. BJC tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Metro tại Việt Nam, bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan. Giá trị thương vụ vào khoảng 655 triệu euro (tương đương 879 triệu USD).
Tập đoàn Metro có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2002 với lĩnh vực kinh doanh bán sỉ. Sau một năm về tay ông chủ người Thái, tuy vẫn giữ nguyên số lượng siêu thị, song đầu năm 2017, hệ thống này đổi tên thành MM Mega Market, thương hiệu Metro "biến mất" khỏi thị trường Việt Nam.
Nguyễn Hà