30 năm sau, thị trường Nhật Bản suy giảm 40% so với mức cao nhất mọi thời đại này. Nhìn lại câu chuyện của Nhật, nhiều người liên tưởng đến thị trường chứng khoán Mỹ đang trên đà đỉnh cao. Câu hỏi là Mỹ có thể tránh được viễn cảnh tương tự hay không, khi hai nước có vài nét tương đồng.
Về phong độ, S&P 500 đã tăng 800% trong 30 năm qua, vượt qua nhiều phen chao đảo và khủng hoảng tài chính. Có vẻ như nó khó có thể đi xuống, hoặc ít nhất là đi xuống trong dài hạn.
Tuy nhiên, giống như Nhật, Mỹ có dân số già và tập trung công nghiệp trong số ít các doanh nghiệp khổng lồ. Năm 2019, lãi suất của Mỹ giảm mạnh, gây ra cuộc thảo luận nghiêm túc về việc liệu lãi suất dài hạn có thể giảm xuống 0 hay thậm chí chuyển sang âm, điều đã xảy ra ở Nhật và ở hầu hết châu Âu hay không.
"Các nền kinh tế phát triển sẽ phải đối mặt thách thức nhân khẩu học, tương tự như Nhật Bản phải đối điện trong các thập kỷ qua. Đó là điều không thể tránh khỏi", Joseph Amato, Chủ tịch và Giám đốc đầu tư của công ty chứng khoán tại Neuberger Berman cho biết.
Theo các nhà phân tích và quản lý danh mục đầu tư, trong một thế giới ngày càng giống Nhật Bản thì lợi nhuận từ các tài sản như cổ phiếu hay trái phiếu sẽ dần mỏng đi vào các năm tới.
"Không phải kinh tế không tăng trưởng. Mà là mục tiêu tăng trưởng ở mức chấp nhận được có thể đang ngày càng thách thức", Neil Dwane, Quản lý danh mục đầu tư và Chiến lược gia toàn cầu tại Allianz Global Investors nhận xét.
Nhân khẩu học của Mỹ cơ bản hiện chưa bất lợi. Mức độ già hóa của dân số nước này xếp hạng 61 thế giới, theo CIA World Factbook. Trong khi đó, Nhật Bản xếp thứ hai, sau Monaco. Sự già hóa nhanh chóng của dân số Nhật Bản đã làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe và lương hưu, làm chậm năng suất và làm giảm lực lượng lao động, với tốc độ mà Mỹ chưa phải chịu đựng.
Nhưng nền kinh tế Mỹ chắc chắn đã hạ nhiệt. Lợi tức trái phiếu kho bạc, gần đạt mức thấp kỷ lục trong năm 2019, và đang giao dịch dưới mức trung bình lịch sử. Năng suất đã "khô héo", tăng trung bình 1,3% mỗi năm trong giai đoạn 2007-2018 sau khi tăng trung bình 2,7% từ năm 2000 đến 2007.
"Rất khó để đưa ra môt kịch bản tăng trưởng 3%", Dave Donabedian, Giám đốc đầu tư CIBC Private Wealth Management nhận định. Vị chuyên gia cho rằng, cổ phiếu và trái phiếu sẽ mang lại lợi nhuận dưới trung bình trong vòng 5-10 năm tới. Trong khi thị trường mới nổi có khả năng trở nên hấp dẫn hơn trong thời gian đó.
Một tương lai tăng trưởng ít hơn đặt câu hỏi cho các nhà đầu tư đã thắng lợi trong thập kỷ qua rằng họ nên làm gì tiếp theo. Ví dụ như nên rót tiền vào các quỹ đầu tư theo chỉ số hay theo công thức lâu đời là phân bổ 60% danh mục đầu tư vào cổ phiếu và 40% cho trái phiếu.
Khó khăn mang tính hệ quả tiếp theo của Nhật Bản là quỹ hưu trí quốc gia không tăng trưởng đủ nhanh để theo kịp sự gia tăng của dân số cao tuổi. Do đó, Cơ quan Dịch vụ Tài chính nước này đã công bố một báo cáo vào tháng 6/2019, cảnh báo rằng một cặp vợ chồng điển hình sẽ phải tiết kiệm ít nhất 185.000 USD ngoài những khoản đã đóng cho lương hưu để có thể sống được sau khi nghỉ hưu.
Ở Mỹ, vấn đề tương tự đang xuất hiện với các chính quyền tiểu bang. Các quỹ hưu trí công lập không thể phân phối lợi nhuận kịp với tốc độ cần thiết để chi trả cho người về hưu. Nhiều người quản lý quỹ đã hạ dự đoán những gì họ có thể kiếm được trong năm tới.
Tình hình này buộc các chính quyền tiểu bang phải chuyển sang các biện pháp khác để ngăn chặn thiếu hụt tài chính, như mạo hiểm đầu tư vào hàng hóa, vốn cổ phần tư nhân hoặc bất động sản. Một số nhà phân tích lo lắng cách làm này có thể phản tác dụng khi gặp một cuộc suy thoái.
Chuyên gia Dwane của Allianz Global Investors cho rằng, tình hình này là thách thức thật sự với tất cả mọi người, từ người nhận lương hưu, người quản lý tài sản đến cả người trẻ trong việc dành dụm cho tương lai của họ.
Một bài học khác từ Nhật Bản lẫn châu Âu dành cho tương lai kinh tế Mỹ là lãi suất âm không phải là phương thuốc chữa bách bệnh.
Trong thập kỷ qua, Ngân hàng Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cùng các ngân hàng trung ương khác, đã cắt giảm lãi suất cơ bản xuống dưới 0 để cố gắng chống lại mối đe dọa của giảm phát. Nhưng thí nghiệm này không thành. Trên thực tế, các ngân hàng trung ương đưa ra lãi suất âm như một biện pháp khắc phục trong ngắn hạn. Nhưng cuối cùng, họ không thể thoát khỏi nó.
Theo các nhà đầu tư, cách làm này đã làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản mang lại lợi nhuận và giá tài sản bị bóp méo. Lợi suất trái phiếu ở các quốc gia bao gồm Đức, Pháp và Áo đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Lợi nhuận của ngân hàng đã bị ảnh hưởng và tổn thương do tỷ suất lợi nhuận ròng giảm hoặc khoảng cách giữa những gì họ trả cho huy động vốn và những gì kiếm được từ các khoản vay.
"Thay vì tạo ra hoặc tăng tốc nền kinh tế, lãi suất âm về cơ bản chỉ dẫn đến một nền kinh tế vật vờ", Hans Olsen, Giám đốc đầu tư của Fiduciary Trust bình luận.
Bản thân Mỹ cũng chưa nghĩ đến cách này. Chủ tịch Fed Jerome Powell, nói trước Quốc hội vào tháng 11/2019 rằng, lãi suất thấp, rất thấp và thậm chí là âm như nhiều nước trên thế giới sẽ không phù hợp với nền kinh tế Mỹ.
Mặc dù vậy, các khó khăn của châu Âu và Nhật Bản là lời cảnh báo cho thấy Mỹ không thể nhất thiết chỉ dựa vào chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế của mình, đặc biệt là với lãi suất đã ở mức tương đối thấp.
Nhật Bản gần đây đã thực hiện các bước can thiệp mới. Thủ tướng Shinzo Abe thông qua chương trình kích thích trị giá 120 tỷ USD vào tháng 12/2019 để giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, sau khi tiến hành tăng thuế bán hàng. Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có làm cách tương tự thời gian tới hay không, nhất là khi quốc hội chia rẽ và các chính trị gia đang quan tâm cuộc bầu cử năm 2020.
Ông Dwane thừa nhận, những việc đó cũng không ngăn được đà tăng của thị trường chứng khoán cho đến nay. Tuy nhiên, trừ khi các chính trị gia có thể đẩy mạnh cải cách cơ cấu thúc đẩy tăng trưởng, liên quan đến chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng hoặc nhập cư, thì thật khó để tìm ra liệu Mỹ sẽ có được sự tăng trưởng trong tương lai từ đâu.
Bài học dành cho Mỹ nhìn từ Nhật Bản là tốc độ tăng trưởng của một nền kinh tế và thị trường chứng khoán không hẳn là biểu hiện của đời sống người dân.
Người Nhật thuộc nhóm tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới. Tỷ lệ tội phạm tương đối thấp và hệ thống chăm sóc sức khỏe và giáo dục công lập đạt điểm cao trong bảng xếp hạng quốc tế.
Nhưng nhiều thập kỷ tăng trưởng chậm vẫn gây thiệt hại cho đất nước. Người dân đang trở nên lo lắng về triển vọng kinh tế. Niềm tin người tiêu dùng trong mùa thu này giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi Văn phòng Nội các Nhật Bản bắt đầu thực hiện khảo sát vào năm 2013.
Những người lao động trẻ lo lắng không tiết kiệm đủ tiền cho nghỉ hưu. Người cao tuổi phải đối mặt với triển vọng đặc biệt đáng sợ, với 1/5 công dân Nhật Bản từ 65 tuổi trở lên sống tương đối nghèo, cao hơn mức trung bình 14% của các thành viên OECD.
Chính phủ Nhật đang hy vọng việc tăng thuế bán hàng được thông qua vào tháng 10/2019 sẽ giúp tăng thu ngân sách mà không làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng. Họ cũng đang nới lỏng chính sách nhập cư trong nỗ lực mở rộng lực lượng lao động. Tuy nhiên, trong xã hội Nhật Bản, người nước ngoài sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn để có thể hòa nhập.
Không có gì là dễ dàng trước mắt. Khi các quốc gia khác trên thế giới ngày càng già đi, một số chuyên gia cảnh báo rằng Nhật Bản là một trường hợp cụ thể để nghiên cứu nhằm tránh sai lầm. "Nhật Bản là những gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không thực hiện cải cách", ông Dwane nói.
Phiên An (theo Wall Street Journal)