Mới đây Bộ phận đầu tư của ngân hàng Thụy Sỹ UBS công bố báo cáo đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam với chủ đề "Bước tiến xa hơn của thị trường tài chính Việt Nam".
Báo cáo nhận định, thị trường vốn Việt Nam hiện mới chỉ ở giai đoạn đầu phát triển và sẽ tăng trưởng đáng kể trong 5 năm tới. Dư nợ tại ngân hàng vượt tổng giá trị trái phiếu niêm yết và cổ phiếu lưu hành khiến Việt Nam vẫn là quốc gia duy nhất trong khu vực phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Theo tính toán của đơn vị này, Việt Nam muốn bắt kịp mức trung bình tại Đông Á vào năm 2023, tổng giá trị trái phiếu lưu hành cần tăng lên 200 tỷ USD (gấp 4 lần) và thị trường cổ phiếu sẽ đạt khoảng 173 tỷ USD (tăng 100%) vào năm 2023.
Còn tại Diễn đàn chuyên đề vốn - tài chính thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF) tháng 8 năm ngoái, đại diện Chính phủ và các chuyên gia thẳng thắn nhìn nhận thị trường vốn Việt đang mất cân bằng do tín dụng ngân hàng vẫn giữ vai trò chủ đạo.
Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy các thể chế phi ngân hàng nhằm đưa nhiều hơn dòng vốn vào nền kinh tế thay vì phụ thuộc quá lớn vào tín dụng ngân hàng. 2019 được kỳ vọng là năm để Việt Nam có các động thái rõ nét nhằm cải thiện thị trường chứng khoán, gia tăng quỹ mở và vận hành quỹ hưu trí tự nguyện nhằm đưa dòng vốn dài hạn vào nền kinh tế.
Thị trường chứng khoán trông đợi đột phá
Năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc một năm trong sắc đỏ và có tăng, giảm, phục hồi theo chu kỳ. Đây được xem là một năm biến động nhất trong 10 năm trở lại đây. Những tháng cuối năm sắc đỏ lại bao trùm chỉ số VNIndex về dưới mốc 1.000 điểm.
Kết thúc năm 2018, VNIndex dừng ở mức 892,54 điểm, giảm 9% so với năm 2017. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2017, tương đương 70,2% GDP năm 2018, vượt chỉ tiêu 70% GDP đề ra. Giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân đạt 6.500 tỷ đồng một phiên, tăng 29% so với năm 2017. Dù vậy, vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài vẫn vào ròng đạt 2,8 tỷ USD gần tương đương năm 2017. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt trên 32,8 tỷ USD.
Trên thị trường trái phiếu giá trị niêm yết đạt 1,122 triệu tỷ đồng đồng, tăng 10,5% so với năm 2017, đạt 22,4% GDP năm 2017 xấp xỉ 20,3% GDP. Giao dịch trái phiếu vẫn khá sôi động với giá trị bình quân 8.834 tỷ đồng mỗi phiên.
Mảng phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân đạt 78.800 hợp đồng mỗi phiên, tăng gần 7 lần so với bình quân trong năm 2017. Khối lượng hợp đồng mở (OI) toàn thị trường duy trì xu hướng tăng.
Hai tháng đầu năm nay, theo đánh giá của giới đầu tư, dòng tiền lớn đã trở lại thị trường chứng khoán. Trong đó nhà đầu tư ngoại tăng cường mua ròng. Triển vọng kinh tế vĩ mô vẫn là động lực khiến động thái giải ngân từ phía nhà đầu tư, cả nội và ngoại mạnh mẽ hơn.
Xét về nội tại, tăng trưởng kinh tế 2018 của Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, các cân đối vĩ mô như tỷ giá, lạm phát, tăng trưởng tín dụng ổn định. Đây được xem là tiền để nhà đầu tư an tâm hơn về thị trường.
Ở khía cạnh khác, sự phát triển của thị trường chứng khoán đã hỗ trợ quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước công khai, minh bạch.
Dù vậy, sau hơn 11 năm thực thi, Luật Chứng khoán đã bộc lộ nhiều bất cập cần phải sửa đổi. Năm qua, Ủy ban Chứng khoán soạn dự thảo Luật Chứng khoán mới. Hiện dự thảo vẫn tiếp tục lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5 và xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 10.
Theo chuyên gia, Việt Nam đang hướng đến nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên nhóm thị trường mới nổi. Việc sửa đổi các quy định cũ là cần thiết để nâng cao chất lượng, tăng tính minh bạch của thị trường cũng như bảo vệ nhà đầu tư.
Dòng tiền vào các quỹ mở tăng vọt
Cùng với sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán, dòng vốn vào các quỹ mở đã có sự tăng vọt qua các năm, nhất là ở các quỹ đầu tư cổ phiếu và trái phiếu.
Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), năm 2018, dòng vốn đổ vào các quỹ mở có sự tăng trưởng đột biến. Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ tăng trưởng mạnh, tại thời điểm cuối tháng 11/2018 đạt hơn 13.000 tỷ đồng, gấp hai lần năm 2017 và hơn 10 lần năm 2015.
Các sản phẩm quỹ mở vẫn nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. VFMVF1, VFMVF4, VEOF... là những quỹ cổ phiếu đang đứng đầu về quy mô và liên tục thu hút được dòng tiền vốn từ nhà đầu tư. Điều này cho thấy nỗ lực của các công ty quản lý quỹ trong việc tìm kiếm, mở rộng các hình thức huy động vốn.
Ngoài hình thức huy động vốn trực tiếp từ các nhà đầu tư hoặc qua các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ Việt Nam tích cực mở rộng hình thức liên kết với các ngân hàng, công ty bảo hiểm và đẩy mạnh việc giới thiệu chương trình đầu tư định kỳ (SIP) tới khách hàng.
Hiện giới phân tích khá dè dặt khi đánh giá về triển vọng quỹ mở trong năm nay, song có những yếu tố tích cực cần xét đến như: sự hiểu biết của các nhà đầu tư cá nhân đối với các sản phẩm quỹ đầu tư tăng lên đáng kể, niềm tin của nhà đầu tư đối với nhiều quỹ được củng cố; hệ thống kênh phân phối quỹ mở được mở rộng giúp các nhà đầu tư tiếp cận với loại hình đầu tư này dễ dàng hơn...
Trong thời gian tới, quỹ mở được dự báo vẫn là loại hình quỹ chính trên thị trường do những đặc tính nổi trội vốn có và khả năng đa dạng, dễ thiết kế, phù hợp với khẩu vị của từng đối tượng nhà đầu tư.
Quỹ hưu trí tự nguyện rục rịch khởi động
Quỹ hưu trí là một trong số công cụ trên thị trường vốn được nhiều chuyên gia đề cập nhiều thời gian qua. Được xem là một trong những nguồn lực quan trọng cho vốn dài hạn, cho đến nay hầu như chưa có quỹ hưu trí nào ở Việt Nam.
Lý giải điều này tại Diễn đàn ViEF, bà Nguyễn Thị Thái Thuận - Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Quản lý quỹ VinaWealth cho biết từ 2013 các công ty bảo hiểm nhân thọ đã có sản phẩm hưu trí tự nguyện. Một số công ty quản lý Quỹ cũng đã có cơ chế về sản phẩm. Song Việt Nam vẫn chưa có quỹ hưu trí tự nguyện thật sự bởi 3 lý do là ưu đãi thuế chưa hấp dẫn; hiểu biết về loại hình sản phẩm chưa cao và nhà đầu tư chưa quen với việc đầu tư 20 đến 40 năm.
Thừa nhận điều này, đại diện Vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng do tính chất tự nguyện của việc tham gia đóng góp vào quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, tại nhiều quốc gia đều có các chính sách ưu đãi thuế. Trong khi đó, tại Việt Nam hiện nay chưa có ưu đãi gì đáng kể về thuế đối với dòng sản phẩm này.
Tại hội nghị tổng kết dịch vụ quỹ cuối 2018, Tung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) cho biết, việc ban hành cơ chế ưu đãi thuế để thúc đẩy sự ra đời của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Với vị thế là tổ chức cung cấp các dịch vụ quỹ, VSD cho hay sẵn sàng đầu tư về hệ thống công nghệ để cung cấp cho thị trường.
Hiện VSD đang tiến hành thử nghiệm hệ thống quản trị quỹ và dịch vụ cho quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện trong thành viên. Đơn vị này dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm nay. "Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện sẽ có đầy đủ cấu phần như quỹ khác. Hiện chúng tôi đã thử nghiệm với các thành viên và sẽ sớm đưa vào áp dụng" lãnh đạo VSD cho biết.
Theo đại diện các quỹ mở, hiện mới chỉ có hơn 3 triệu người được hưởng lương hưu, trong khi nhu cầu về hưu trí bổ sung tự nguyện rất lớn. Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện không chỉ đơn thuần mang tính an sinh xã hội mà còn là một sản phẩm đầu tư. Nếu triển khai thành công, quỹ đồng thời sẽ mang lại dòng vốn dài hạn cho nền kinh tế trong tương lai.
Thanh Thư