Mới đây, Vingroup xuất hiện trên chương trình "Tiêu điểm" của 8world News - kênh truyền tiếng Trung của Channel NewsAsia (CNA), thuộc Tập đoàn truyền thông Mediacorp (Singapore). Phóng sự là hành trình tìm hiểu quá trình doanh nghiệp này thành tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Phóng sự nhận định, sự chuyển biến kinh tế Việt Nam 10 năm qua có sự đóng góp lớn của thành phần kinh tế tư nhân và Vingroup đang là một trong tên tuổi dẫn đầu, thúc đẩy sự phát triển tại nhiều lĩnh vực như công nghệ, kỹ thuật.
Thực tế, trong thời gian qua, Việt Nam chứng kiến sự lớn mạnh của các tập đoàn kinh tế tư nhân, trở thành trụ cột của nền kinh tế. Hiện các khối doanh nghiệp tư nhân chiếm vị thế tuyệt đối về số lượng với 96,7% trong khi FDI là 2,6%, doanh nghiệp Nhà nước chỉ 0,5%.
Với Vingroup, năm qua đánh dấu bước chuyển mình đáng kể trong hoạt động sản xuất kinh doanh khi tập đoàn này tuyên bố tham gia lĩnh vực công nghiệp sản xuất xe hơi, công nghệ cao. Dấu ấn lớn nhất chính là đã tạo ra sự ngỡ ngàng cho thế giới khi ra mắt dòng ôtô "made in Vietnam" chỉ trong 12 tháng.
Ngày 2/10/2018, trước hàng trăm nhà báo, khách mời, bộ đôi VinFast với hai màu đỏ và xám chính thức hiện diện tại Paris Motor Show. Ngay lần đầu ra sân chơi thế giới, thương hiệu ôtô Việt được tổ chức về xe hơi châu Âu AutoBest vinh danh là "Ngôi sao mới" (A Star is Born). VinFast trở thành hãng xe mới đầu tiên được trao giải tại triển lãm xe hơi lớn nhất thế giới và vào top 20 mẫu xem đẹp nhất được trưng bày tại sự kiện.
Đánh giá cao những nỗ lực của hãng xe đầu tiên mang thương hiệu Việt ra thị trường quốc tế, tại sự kiện về hàng Việt Nam diễn ra trung tuần tháng 11/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ: "VinFast giúp Việt Nam vươn tầm thế giới" và mong muốn các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam sẽ tiếp nối VinFast thể hiện khát vọng chiếm lĩnh thị trường trong nước, vươn tầm quốc tế để tiếp nối ra đời nhiều niềm tự hào Việt Nam".
Trong lĩnh vực bất động sản, năm qua Vingroup cũng có điểm nhấn là khánh thành tòa nhà trong top 10 công trình cao nhất thế giới. Với độ cao hơn 461m, Landmark 81 là tòa nhà cao nhất Việt Nam với các trung tâm thương mại, khu vực khách sạn và căn hộ hạng sang. Công trình có tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD và mang tính biểu tượng của chủ đầu tư Vingroup.
2018 cũng được xem năm có nhiều dấu ấn lớn mang tính quốc tế của các tập đoàn hàng đầu khác tại Việt Nam như Vietjet, Sun Group, Hòa Phát, FLC... Hàng loạt các sản phẩm, dự án, công trình ra mắt thị trường đã nâng tầm vị thế doanh nghiệp Việt và tên tuổi Việt Nam trên toàn cầu.
Hồi cuối tháng 10/2018, người Việt đi máy bay thành chủ điểm tại Forbes Global CEO. Xuất hiện tại sự kiện dành cho các CEO toàn cầu ở Bangkok (Thái Lan) nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nhân, nhà đầu tư quốc tế bởi Vietjet được nhìn nhận là "một hiện tượng trong ngành hàng không Việt Nam".
Hơn 400 CEO, lãnh đạo toàn cầu thích thú trước câu chuyện tạo ra lượng khách hàng mới hãng hàng không tư nhân Việt.
"Rất thú vị là sau khi chúng tôi phát triển mạng bay quốc tế, những người khách lần đầu tiên đặt chân lên máy bay không chỉ là người Việt Nam nữa mà là người dân từ 10 nước mà chúng tôi đang bay tới. Nhiều người trong số họ cũng lần đầu tiên được bay", người phụ nữ quyền lực cho biết thêm.
Với chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối năm 2011, hãng hàng không Vietjet đã hiện thực hoá được ước mơ của người phụ nữ nông dân năm đó. Mang lại cơ hội bay cho những người dân bình thường nhất, và đã tạo nên những xu hướng mang tính cách mạng trong ngành hàng không. Khoảng 30% hành khách Vietjet là những người lần đầu tiên đặt chân lên máy bay.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo có tên trong danh sách nữ tỷ phú tự thân trên thế giới do Forbes công bố hồi 2017. Lần đầu tiên, Việt Nam có đại diện lọt danh sách này. Theo ghi nhận của Forbes, bà Thảo hiện đang sở hữu khối tài sản ròng 2,7 tỷ USD, xếp thứ 926 trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Đồng thời, bà đang là người phụ nữ giàu nhất Việt Nam...
Cuối 2018, Việt Nam có thêm hãng hàng không tư nhân mới tham gia thị trường. Dù chính thức bay chuyến đầu tiên từ đầu năm nay, nhưng trước đó Bamboo Airways của FLC thu hút nhiều ý kiến trái chiều sau 2 lần lỡ hẹn cất cánh.
Bamboo Airways thành lập giữa năm ngoái, với vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Tháng 7/2018, FLC tuyên bố bỏ thêm 600 tỷ để tăng vốn điều lệ lên 1.300 tỷ đồng. Bamboo Airways hiện là hãng bay thứ 5 tại Việt Nam có giấy phép bay vận chuyển hành khách, bên cạnh Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO. Đây cũng là là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam ký hợp đồng mua máy bay Boeing và Airbus trước khi cất cánh. Hiện hãng tập trung khai thác các chặng bay nội địa. Theo kế hoạch, thời gian tới hãng sẽ mở rộng đường bay quốc tế.
Sự xuất hiện của thêm một hãng hàng không tư nhân được kỳ vọng sẽ tăng sức cạnh tranh trên thị trường, chủ yếu là địa hạt của ba cái tên chính Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air. So sánh với các nước láng giềng, Việt Nam vẫn khiêm tốn về số lượng hãng hàng không. Ví dụ, với 69 triệu dân, Thái Lan có tới 12 hãng. Dân số Malaysia chỉ bằng một phần ba Việt Nam, nhưng cũng được 6 hãng phục vụ. Bên cạnh đó, với 33,3 triệu lượt khách nội địa di chuyển bằng đường hàng không năm 2018 và nhiều người lần đầu tiên đi máy bay, các chuyên gia cho rằng thị trường Việt Nam vẫn còn dư địa để phát triển.
Với sự góp mặt của mình, Bamboo Airways khẳng định sẽ cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ và trải nghiệm hành khách. Đó là lý do hãng hàng không mới chọn slogan "Hơn cả một chuyến bay". Nhờ lợi thế hệ thống resort rộng khắp cả nước, Bamboo Airways có thể đem đến trải nghiệm đa dạng cho khách với nhiều sản phẩm độc đáo kết hợp giữa hàng không và nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, hạ tầng hàng không Việt năm 2018 cũng chứng kiến sự trỗi dậy của giới tư nhân. Ngày cuối cùng của năm, người dân khu vực phía Bắc đón nhận tin vui Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) đưa vào vận hành. Với chủ đầu tư là Sun Group, đây trở thành cảng hàng không quốc tế tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Nếu không tính cảng hàng không Phú Quốc cũng mở rộng từ sân bay quân sự cũ, đây còn là sân bay đầu tiên của Việt Nam được xây mới hoàn toàn kể từ năm 1975.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn khởi công từ năm 2015 tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), trên diện tích 325 ha, được đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng.
Sân bay có công suất 2,5 triệu khách mỗi năm, giờ cao điểm có thể đón 1.250 người đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II - có thể đón các máy bay lớn.
Tại sự kiện khai trương, ông Đặng Minh Trường, Phó chủ tịch, Tổng giám đốc Sun Group cho biết, mỗi doanh nghiệp đều có hướng đi riêng để góp phần phát triển cho đất nước. "Với Sun Group, chúng tôi luôn mang khát vọng được trở về cống hiến, làm rạng danh đất nước và chúng tôi chọn du lịch làm hướng đi riêng".
Bên cạnh hàng không, Sun Group cũng ghi nhiều dấu ấn trong năm 2018, là chủ đầu tư công trình cầu vàng Đà Nẵng - top 100 điểm đến hấp dẫn của thế giới. Thêm cây cầu vàng, Bà Nà Hills đang dần vươn lên top đầu trong danh sách điểm phải đến của khu vực. Hiệu ứng của cây cầu độc bản trên đỉnh Núi Chúa miền Trung không dừng tại đó mà còn được nhiều quốc gia lấy làm bài học điển hình để phát triển du lịch và thu hút du khách trong bối cảnh hiện nay.
Theo tập đoàn này, chiến lược phát triển cảnh quan trên đỉnh Bà Nà sẽ tiếp tục cho ra đời những công trình độc đáo không kém cây cầu vàng. Tất cả góp phần từng bước kiến tạo chuỗi dịch vụ du lịch chất lượng cao tại Đà Nẵng, hoàn thiện hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam.
Cần thêm những "người khổng lồ" trong kinh tế tư nhân
Dù số lượng doanh nghiệp đông đảo song thống kê cho thấy cấu trúc kinh tế Việt Nam vẫn dựa chủ yếu 2 động lực chính là kinh tế hộ gia đình, góp hơn 31% GDP, và doanh nghiệp Nhà nước với 28% GDP. Trong khi đó, kinh tế tư nhân mới chiếm phần nhỏ 12,2% GDP.
Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để Việt Nam có thể "biến hình", thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần một sự thay đổi về cấu trúc, tăng cường vai trò của khối tư nhân trong nền kinh tế.
Việc chú trọng phát triển khối doanh nghiệp nhỏ và vừa là đúng, nhưng chưa đủ, Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhận định với VnExpress trong bài phỏng vấn mới đây. Theo ông, để Việt Nam hùng cường thì không thể dựa vào sức của số doanh nghiệp này, mà phải dựa vào những tập đoàn tư nhân lớn và coi đây là lực lượng tiên phong giúp Việt Nam bứt phá trong tương lai. Để khu vực này trở thành trụ cột cho nền kinh tế, Việt Nam cần có một lực lượng những "người khổng lồ" trong giới tư nhân, điều mà Hàn Quốc đã làm được và đưa nền kinh tế bứt phá trong hàng chục năm qua.
Thanh Thư