Biến động của thị trường được tính trên sự thay đổi của giá chứng khoán, căn cứ theo tỷ trọng của vốn hóa trong rổ chỉ số. VN-Index kết thúc năm 2019 ở mức gần 961 điểm, tăng 7% so với mở cửa phiên giao dịch đầu năm, với xu hướng chính là giao dịch giằng co, thanh khoản sụt giảm. Tuy nhiên, xét riêng từng cổ phiếu, vẫn có những cái tên tăng giá hàng chục lần.
Trên hai sàn niêm yết, dữ liệu từ FiinGroup cho thấy có 30 mã cổ phiếu tăng giá trên 100% so với đầu năm, trong đó 21 cổ phiếu niêm yết trên HNX, còn 9 cổ phiếu trên HoSE.
MBG, cổ phiếu niêm yết tăng giá mạnh nhất năm 2019, khởi đầu năm với thị giá 4.000 đồng. Nhưng đến phiên cuối năm, cổ phiếu này đã tăng lên 20.500 đồng, với tỷ suất sinh lời tới 413%.
Đà tăng của MBG bắt đầu từ cuối tháng 6 với chuỗi phiên giao dịch biên độ tối đa, những phiên tăng trần, giảm sàn đan xen. Đến đầu tháng 11, cổ phiếu này lên mức đỉnh 58.000 đồng, thị giá gấp 14,5 lần đầu năm. Tuy nhiên, chạm mức đỉnh cũng là khi MBG đảo chiều. Chuỗi phiên giảm sàn liên tiếp khiến giá MBG chỉ còn một phần ba so với mức cao kỷ lục. Năm phiên giao dịch trước khi hết năm, cổ phiếu này vẫn trong cảnh "trắng bảng bên mua". Thanh khoản giữ ở mức vài trăm nghìn cổ phiếu sang tay mỗi phiên.
Khác với MBG, đà tăng của VCM diễn ra với thanh khoản chỉ 100 cổ phiếu mỗi phiên. Cổ phiếu này tăng từ 14.645 đồng lên 53.000 đồng trong tình trạng mất thanh khoản, phiên cao nhất ngày 25/7/2019 cũng chỉ khớp được 27.000 cổ phiếu. Trong ba tháng gần nhất, mỗi tháng VCM chỉ khớp lệnh 100 cổ phiếu.
Hầu hết những cổ phiếu trong danh sách tăng mạnh nhất hai sàn niêm yết đều thuộc nhóm penny, với mức giá khởi điểm chỉ vài nghìn đồng. Những cổ phiếu này chia làm hai nhóm chính, một nhóm thanh khoản cao nhưng biên độ dao động cao, tăng nhanh - giảm sốc, còn một nhóm đi lên trong tình trạng mất thanh khoản.
Khác với nhóm penny, nhóm cổ phiếu bluechip trong VN30 biến động khiêm tốn hơn, nhưng thực chất hơn khi gắn với kỳ vọng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong năm 2019, VCB, FPT, BID, MWG và EIB là những cổ phiếu có tỷ suất sinh lời tốt nhất nhóm VN30.
VCB kết thúc năm 2018 với thị giá hơn 53.000 đồng, đã tăng lên hơn 90.000 đồng vào cuối năm 2019. Đà tăng của cổ phiếu này xuất phát từ vị thế của nhà băng lợi nhuận cao nhất hệ thống, cùng nhiều thông tin tích cực từ hoạt động kinh doanh.
Tháng 11, Vietcombank ký hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền 15 năm với FWD, được nhận định là động lực giúp cổ phiếu này tăng vượt ngưỡng 90.000 đồng trong giai đoạn cuối năm. Theo Bloomberg, giá trị hợp tác dự kiến khoảng 1 tỷ USD, trong đó 400 triệu USD sẽ sớm được chuyển vào tài khoản của Vietcombank, giúp ngân hàng nới rộng khoảng cách với phần còn lại của hệ thống.
FPT đứng thứ hai về tỷ suất sinh lời với mức tăng gần 63% so với đầu năm. Trở thành doanh nghiệp công nghệ "đúng nghĩa" sau khi thoái vốn mảng bán buôn - bán lẻ, tỷ suất biên lợi nhuận và hiệu suất hoạt động của FPT tăng gấp đôi so với trước. Báo cáo gần đây của các công ty chứng khoán cũng liên tục tăng giá mục tiêu với FPT, với mức phổ biến hiện nay trong khoảng 76.000-77.000 đồng.
So với hai sàn niêm yết, thị trường UPCoM biến động mạnh hơn, nhưng khó lý giải hơn. Biên độ giá mỗi phiên của UPCoM ở mức 15%, cao gấp đôi sàn niêm yết, khiến trạng thái cổ phiếu có sự phân hóa cao.
VNX, cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn UPCoM, khởi đầu năm 2019 với thị giá 777 đồng nhưng cuối năm tăng lên 60.000 đồng. Tỷ suất sinh lời đạt 7.617%. Cổ phiếu đứng thứ hai là HCS cũng đạt tỷ suất sinh lời gần 1.500% khi tăng giá từ 6.700 đồng lên 107.600 đồng. Tuy nhiên, cả hai cổ phiếu này đi lên cùng trong tình trạng không có thanh khoản, mỗi phiên chỉ khớp 100 cổ phiếu.
Minh Sơn